Nhiều công trình giao thông tại TP.HCM động thổ rầm rộ rồi “quên” thi công

Sau khi tổ chức động thổ rầm rộ, nhiều công trình trên địa bàn TP.HCM như cầu đường sắt Bình Lợi, xa lộ Hà Nội mở rộng, hay tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, bãi đậu xe ngầm Lê Văn Tám… bị các chủ đầu tư “bỏ quên” việc thi công.
Cầu Bình Lợi già nua vẫn gồng mình gánh những đoàn tàu vì chủ đầu tư chưa giải tỏa xong mặt bằng để xây dựng cầu mới.
Cầu Bình Lợi già nua vẫn gồng mình gánh những đoàn tàu vì chủ đầu tư chưa giải tỏa xong mặt bằng để xây dựng cầu mới.

Rầm rộ động thổ

Khởi công từ tháng 4/2015, với số vốn đầu tư được thông báo lên tới 1.302 tỷ đồng, Dự án xây cầu đường sắt Bình Lợi mới (quận Bình Thạnh - Thủ Đức) cho đường sắt Bắc - Nam, thay thế cây cầu cũ đã hơn 100 năm tuổi, đến nay vẫn im lìm.

Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng (STD) thực hiện với hình thức BOT. Sau lễ động thổ, chủ đầu tư “án binh bất động”. Sau khi bị thúc giục nhiều lần, đại diện chủ đầu tư thông báo tới tháng 10/2015 sẽ triển khai thi công. Tuy nhiên, tới nay Dự án vẫn không được xây dựng, dù cây cầu cũ được cảnh báo có thể sập bất cứ lúc nào.

Một dự án khác, được khởi công cách đây 6 năm, nhưng vẫn chưa xây dựng là Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP.HCM và Cảng Cát Lái.

Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, mở rộng đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến điểm giao với dự án cầu Đồng Nai, có chiều dài 15,7 km. Tổng mức đầu tư Dự án là 2.286,8 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng là 1.701,5 tỷ đồng. Với việc chậm tiến độ, nhiều khả năng Dự án sẽ bị đội giá.

Ngoài ra, vào đầu tháng 12/2015, Dự án Tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 1.135 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng), được chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công đã hơn 4 tháng, nhưng tới nay công trình này vẫn “ngủ yên”.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty cổ phần Đầu tư - Tư vấn xây dựng Bắc Ái thực hiện. Với chiều dài 2,7 km, tuyến đường đi qua địa bàn phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức), điểm đầu nối với Dự án đường nối Bình Thái - Gò Dưa tại vị trí tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, điểm cuối nối với Dự án cầu vượt nút giao thông Gò Dưa.

Có thể kể thêm một dự án cũng thuộc loại chậm “kỷ lục” nữa, đó là Dự án Xây dựng bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Được khởi công từ tháng 8/2010, nhưng tới nay, sau gần 6 năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Dự án do Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư, có quy mô 5 tầng ngầm, với tổng diện tích hơn 72.000 m2, sức chứa khoảng 2.000 xe máy, 1.250 xe ô tô, 28 xe buýt và xe tải. Ngoài ra, còn có khu thương mại 3 tầng với diện tích khai thác là 30.904 m2. Tổng vốn đầu tư được thông báo lên tới trên 100 triệu USD.

Động thổ chỉ để… lấy ngày

Lý do phổ biến của việc chậm tiến độ các dự án, đó là những công trình này chưa được các chủ đầu tư thực hiện đền bù giải tỏa mặt bằng. Việc động thổ chỉ là để lấy ngày, còn việc thi công sẽ tổ chức sau, nhiều trường hợp vừa thi công vừa tổ chức đền bù giải tỏa.

Đơn cử, Dự án Tuyến nối đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa, theo người dân sinh sống tại đây, thì tới thời điểm này, chủ đầu tư vẫn đang tiến hành thương thảo giá đền bù giải tỏa.

Còn tại Dự án xây mới cầu đường sắt Bình Lợi, ngày 24/3 vừa qua, tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội quý I/2016 của UBND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đưa ra thông tin, sẽ khởi công xây dựng cầu Bình Lợi vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn “yên tĩnh” chưa có bất kỳ dấu hiệu nào của sự xây dựng.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn chưa thực hiện xây dựng như Sở GTVT đã thông báo, chúng tôi được biết, dự án này cũng chung tình cảnh vướng giải tỏa mặt bằng, khi phía chân cầu thuộc quận Thủ Đức chưa được giải tỏa.

Đối với Dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc IUS, chủ đầu tư Dự án cho biết, lý do mà công ty ông chưa triển khai xây dựng, dù động thổ từ năm 2010, là vì phải thay đổi thiết kế phòng cháy chữa cháy theo quy định mới.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, những công trình giao thông luôn được Thành phố quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cũng bởi Thành phố ưu đãi mà nhiều doanh nghiệpkhông hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng nhảy vào tham gia. Đơn cử, những chủ đầu tư xây dựng Dự án cầu đường sắt Bình Lợi hay đường Vành đai 2, xa lộ Hà Nội, đều đăng ký hoạt động là xây dựng nhà ở, nhưng đã “sang ngang” làm dự án giao thông, do vậy rất thiếu kinh nghiệm.

“Đối với các dự án giao thông, cần chủ đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, có những kỹ sư giỏi và công nghệ chuyên về xây dựng giao thông thì mới có thể thực hiện được. Nếu cho những công ty “tay ngang” tham gia làm dự án giao thông thì sẽ gặp khó khăn trong thi công và chất lượng công trình chắc chắn sẽ không tốt”, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM nêu ý kiến.