Nhiều địa phương xin thêm thời gian giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 là năm đầu tiên của kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, chủ quan tồn tại nhiều năm, còn có những yếu tố đặc biệt ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công của nhiều địa phương. Ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong giải ngân đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tổng hợp, kiến nghị những giải pháp phù hợp để tháo gỡ, đồng hành cùng địa phương thúc đẩy giải ngân.
Tính đến hết ngày 10/9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 31% kế hoạch đã giao. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến hết ngày 10/9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 31% kế hoạch đã giao. Ảnh: Lê Tiên

Nguyên nhân “đặc biệt”

Chịu tác động lớn nhất bởi dịch bệnh, tính đến hết ngày 10/9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 31% kế hoạch đã giao. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, kết quả giải ngân chưa đạt kỳ vọng của Thành phố, đặc biệt là mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/9/2021 đạt 60% kế hoạch vốn giao.

TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng, để tập trung cho công tác triển khai phòng, chống dịch Covid-19, cho phép Thành phố không áp dụng việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% đến ngày 30/9/2021; không điều chuyển hoặc cắt giảm các nguồn vốn ngân sách trung ương đã phân bổ. Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào các năm tiếp theo, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đến hết năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với các tỉnh, thành phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Không riêng 2 địa phương này, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác giải ngân của nhiều địa phương. Hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại khu vực có mức nguy cơ rất cao và các địa phương thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng…

Ngoài ra, theo nhiều địa phương, 2021 là năm đầu tiên của kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, nhiều dự án khởi công mới chưa đủ căn cứ để bố trí vốn, giải ngân trong năm 2021. 2021 là năm đầu kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 nên các dự án khởi công mới trong năm 2021 chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện thủ tục bổ sung để đủ điều kiện triển khai. Trong khi đó thời gian thực hiện bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kéo dài dẫn đến không kịp giải ngân số vốn đã giao trong năm…

Chia sẻ với khó khăn của địa phương

Theo ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT), đến nay tỷ lệ giải ngân của nhiều địa phương còn khá xa so với mốc 60% kế hoạch, dự kiến đến 30/9 khó đạt tỷ lệ này. Tỷ lệ 60% đến 30/9 là tính trên các khoản vốn đã giao từ đầu năm, không tính các nguồn vốn sắp giao.

Đối với kiến nghị kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân hết, Luật Đầu tư công có quy định trong trường hợp bất khả kháng mà sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thực hiện được, với nguồn ngân sách trung ương, Thủ tướng xem xét quyết định, với ngân sách địa phương, HĐND xem xét quyết định đối với các trường hợp được phép xem xét kéo dài vốn theo quy định. Ngoài ra, những dự án khởi công mới chưa được giao vốn cũng khó có thể giải ngân hết kế hoạch. Dự kiến đến hết 31/1/2022, số vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân được còn khá lớn.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định, sẽ ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc của các địa phương khi tổng hợp báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý, điều chuyển vốn. Do nhiều nguyên nhân đặc thù, bất khả kháng, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền việc kéo dài giải ngân một số nguồn vốn kế hoạch năm 2021 chưa giải ngân hết sang năm 2022 để tiếp tục giải ngân đến 31/12/2022.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành, giải ngân nhanh hơn đầu tư công để vừa không bị điều chuyển vốn sang địa phương khác, vừa góp phần hỗ trợ tăng trưởng, bù đắp cho sụt giảm của khu vực ngoài nhà nước. Các địa phương cũng không nên đợi đến 30/9 mà trong thẩm quyền của mình, chủ động điều chuyển ngay trong tỉnh.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều địa phương vẫn giải ngân tốt. Kinh nghiệm là có chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, phân công cụ thể, gắn với khen thưởng, kỷ luật; chú trọng vấn đề năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn; dự báo nhu cầu, đề xuất, phân bổ vốn phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân của từng dự án.

Tin cùng chuyên mục