Nhiều doanh nghiệp xây dựng hướng đến kỷ lục hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hưởng lợi từ "sóng" đầu tư công mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng như Giao thông Đèo Cả, Cienco 4, Vinaconex... đồng loạt đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2025 ở mức kỷ lục hoặc cao nhất trong nhiều năm, báo hiệu một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược được đẩy mạnh đầu tư đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Ảnh: Phi Long
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược được đẩy mạnh đầu tư đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Ảnh: Phi Long

Mới đây, đại diện Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cho biết, doanh thu quý I/2025 ước đạt khoảng 730 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 160 tỷ đồng, tăng 44%, đánh dấu mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của Công ty. Với kết quả này, Giao thông Đèo Cả đã hoàn thành 28,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 (555 tỷ đồng). Nếu đạt mục tiêu cả năm, Công ty sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cao lịch sử kể từ khi hoạt động.

Đại diện Công ty cho biết, nguồn công việc và doanh thu trong thời gian tới được bảo đảm từ việc góp sức hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Các dự án trọng điểm mà Đèo Cả đang triển khai như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dự kiến sẽ thông tuyến vào cuối năm nay.

Hưởng lợi từ các dự án giao thông lớn trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khác cũng đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục cho năm 2025, đồng thời chuẩn bị nguồn lực cho các dự án lớn trong những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (CIENCO4), việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông chiến lược bao gồm đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển… tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và CIENCO4 nói riêng. Năm 2025, CIENCO4 đặt mục tiêu tham vọng với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng, tăng 12%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận kỷ lục của CIENCO4.

Hiện CIENCO4 đang góp mặt tại nhiều công trình lớn như hầm chui Giải Phóng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sân bay Quảng Trị, cao tốc Bùng - Vạn Ninh, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, nút giao An Phú và nhiều dự án khác. Công ty sẽ triển khai thi công 2 công trình mới trúng thầu trong năm 2025 là Gói thầu số 10 thuộc Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến Tỉnh lộ 1B (đoạn từ nút giao Quốc lộ 26B đến nút giao Tỉnh lộ 1) tại Khánh Hòa và Gói thầu số 11 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường N1, D1 khu Đại học Nam Cao (tỉnh Hà Nam).

Trong năm 2025, CIENCO4 sẽ tập trung nghiên cứu và chuẩn bị tốt về nguồn lực (con người, năng lực công nghệ - thiết bị, đối tác liên quan) để sẵn sàng tham gia các công trình thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt trục Đông - Tây, các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, Công ty sẽ tìm kiếm đối tác nước ngoài có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để hợp tác trong các dự án PPP. CIENCO4 cũng định hướng phát triển các dự án bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, ưu tiên tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và những khu vực có tiềm năng quỹ đất.

Báo cáo của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, đầu tư công đang là động lực chính thúc đẩy ngành xây dựng thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn. Tổng giá trị hợp đồng trúng thầu, ký mới của Vinaconex trong năm 2024 đạt hơn 11.600 tỷ đồng, với các gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sân bay Long Thành, Dự án Mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài và nhiều dự án khác. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng dân dụng phục hồi chậm do thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc.

Năm 2025, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất cao nhất trong lịch sử hoạt động là 15.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, tăng 8%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao thứ ba trong lịch sử của Vinaconex, chỉ sau năm 2020 (1.690 tỷ đồng) và 2017 (1.629 tỷ đồng). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lợi nhuận các năm 2017 và 2020 của Vinaconex có đóng góp lớn từ các khoản thu nhập bất thường, như thoái vốn tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (hơn 2.000 tỷ đồng) và Công ty CP Nước sạch VIWASUPCO (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Ban Tổng giám đốc Vinaconex cho biết sẽ chuẩn bị nguồn lực để tham gia vào các lĩnh vực mới như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các dự án điện gió và điện hạt nhân. Để đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng quốc gia, Vinaconex đã phối hợp với một trường đại học tổ chức khóa đào tạo kỹ sư đường sắt tốc độ cao cho 35 học viên đầu tiên. Đây sẽ là những cán bộ nòng cốt giúp Tổng công ty tìm kiếm cơ hội tham gia thi công các dự án đường sắt trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khác cũng đang hướng tới kết quả kinh doanh cao trong năm 2025. Đơn cử, Công ty CP LIZEN đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng (chỉ thấp hơn mức kỷ lục năm 2020 là 3.536 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. Nguồn thu dự kiến đến từ các dự án đang triển khai như cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Vũng Áng - Bùng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua Hưng Yên, đường Tân Phúc - Võng Phan (Hưng Yên), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tương tự, Công ty CP FECON hướng đến doanh thu hợp nhất kỷ lục 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng trong năm nay - mức cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2025, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương dự kiến ghi nhận doanh thu thuần lịch sử 4.755,5 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2024) và lợi nhuận sau thuế 376,9 tỷ đồng (tăng 24%); Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất kỷ lục 12.889 tỷ đồng và 371 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 27% so với năm 2024…

Tin cùng chuyên mục