Nhiều dự án điện gió đứng trước nguy cơ “lỗi hẹn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn 10 ngày nữa là cơ chế giá cố định (FIT) đối với các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sẽ hết hạn. Theo số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật, tới thời điểm ngày 15/10/2021 mới có 11/106 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại. Các nhà đầu tư điện gió đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tới thời điểm ngày 15/10/2021 mới có 11/106 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại. Ảnh minh họa: Văn Thịnh
Tới thời điểm ngày 15/10/2021 mới có 11/106 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại. Ảnh minh họa: Văn Thịnh

Đường về đích nhiều chông gai

Theo thông tin cập nhật của EVN, từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2021, cả nước đã có thêm một số nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) là: Dự án điện gió Phương Mai 1; Hướng Tân; Tân Linh; Nhơn Hòa 1; Nhơn Hòa 2.

Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD, đến 15/10/2021 mới có 11 nhà máy với tổng công suất 443 MW được công nhận vận hành thương mại.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà các nhà đầu tư điện gió gặp phải, tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, ông Ben Backwell, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Theo khảo sát của GWEC, 2,8 kW điện gió trên bờ vốn có thể hoàn thành kịp thời hạn áp dụng FIT nhưng giờ đang rất khó khăn để được công nhận vận hành thương mại vào ngày 31/10/2021. Khó khăn lớn đối với các dự án điện gió hiện nay là vận chuyển thiết bị cũng như con người, thu hút lao động, mặt bằng…

Tại cuộc làm việc, đại diện các đơn vị sản xuất thiết bị tua bin chia sẻ, đại dịch Covid-19 gây nên những khó khăn, thách thức lớn đối với việc triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam thời gian qua, từ sản xuất tua bin gió cho đến lắp đặt, nghiệm thu phát điện lên lưới.

“Hầu hết các hợp đồng sản xuất tua bin gió được ký kết trong năm 2020. Công tác sản xuất bắt đầu từ giữa năm 2020 cho đến quý I và quý II/2021. Trong thời gian này, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề ở các nước nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện gió như: Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước châu Âu khiến thời gian sản xuất tua bin gió kéo dài. Tiếp đó, khâu vận chuyển hàng từ nhà máy đến cảng “tắc nghẽn” khiến quá trình này mất nhiều thời gian. Khi hàng về tới Việt Nam thì lại là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên công tác vận chuyển tua bin đến chân công trình gặp nhiều khó khăn…”, đại diện một nhà sản xuất cho biết.

Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận chia sẻ, dù rất cố gắng nhưng con số dự án điện gió được công nhận COD đến thời điểm này chỉ chiếm 10% số dự án đăng ký. Một số dự án dù sắp hoàn thành nhưng có được công nhận COD hay không thì chưa biết vì đường về đích còn nhiều chông gai.

Mong sớm có hướng dẫn tháo gỡ cho nhà đầu tư

Ông Thịnh nhận định, nếu tình hình thuận lợi thì đến thời điểm 31/10, số dự án được công nhận COD ước đạt 20% tổng số dự án đăng ký, nhiều dự án có nguy cơ lỡ hẹn. Đến thời điểm này, chưa có thông tin chính thức nào từ cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách đối với các dự án điện gió sau ngày 31/10. Để hỗ trợ các nhà đầu tư điện gió, đề nghị gia hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió gặp khó vì Covid-19. Nếu không, sau ngày 31/10, giá mua điện gió sẽ giảm từ 12 - 17% khiến nhà đầu tư lỗ nặng.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ không xem xét hoặc kiến nghị cấp cao hơn gia hạn cho các dự án điện gió hưởng giá FIT sau ngày 31/10. Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến cơ chế chính sách phát triển các dự án điện gió trong thời gian tới trên cơ sở phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... Trong tương lai, Việt Nam sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. Trong cơ chế chính sách mới sẽ có quy định để xử lý tình huống với các dự án điện gió dở dang.

Cũng theo ông Thịnh, mới đây, Bộ Công Thương giao các chủ đầu tư đàm phán với EVN về giá điện đối với dự án điện gió chậm tiến độ. Tuy nhiên, khi đàm phán giá ở những dự án này, nhà đầu tư sẽ chịu nhiều thua thiệt…

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của nhà đầu tư các dự án điện gió, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế chính sách để doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị, GWEC hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thông qua các hiệp hội doanh nghiệp điện gió tại địa phương chủ động liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sản xuất an toàn.

Về cơ chế, chính sách đối với việc phát triển các dự án điện gió sau ngày 31/10, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ không xem xét hoặc kiến nghị cấp cao hơn gia hạn cho các dự án điện gió hưởng giá FIT sau ngày 31/10. Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến cơ chế chính sách phát triển các dự án điện gió trong thời gian tới trên cơ sở phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... Trong tương lai, Việt Nam sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. Trong cơ chế chính sách mới sẽ có quy định để xử lý tình huống với các dự án điện gió dở dang.