Nhiều dư địa cải cách thủ tục hành chính trong ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quốc hội vừa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH) thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đưa thủ tục hành chính của ngành y tế thực hiện trực tuyến. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đưa thủ tục hành chính của ngành y tế thực hiện trực tuyến. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Nhiều kẽ hở pháp luật dễ phát sinh tiêu cực

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quyết nghị quan trọng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay, phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không nên chỉ dừng lại giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt này, mà Chính phủ cần rút kinh nghiệm sâu sắc và đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ngành y tế trong dài hạn. Điều này vừa tạo thuận lợi trong việc tuân thủ, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), cho đến nay, Dự án Luật Dược (sửa đổi) vẫn chưa được đưa vào chương trình kỳ họp kế tiếp (tháng 5/2023). “Nếu không kịp sửa Luật Dược thì số phận của những thuốc, nguyên liệu làm thuốc nêu trên sẽ làm thế nào? Những thuốc hết số đăng ký (SĐK) nhưng đã quá quen thuộc, có quá trình sử dụng lâu dài trên thế giới không nhất thiết phải gia hạn SĐK? Đối với những thuốc phát minh mới, nếu đã có nước công nhận chất lượng và an toàn, thì chúng ta cũng có thể bắt chước theo, để tiếp cận thuốc sớm, cùng với thế giới”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu vấn đề.

Không chỉ xảy ra với thuốc và nguyên liệu làm thuốc, theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, yêu cầu về việc gia hạn giấy ĐKLH đối với hóa chất, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, thiết bị y tế (TTBYT) cũng hết sức cấp bách. “Hiện nay, nhiều TTBYT đã hết hạn vào ngày 31/12/2022. Thiếu TTBYT thì không thể chẩn đoán được bệnh, làm sao điều trị được bệnh, cấp cứu kịp thời?”, đại biểu Nguyễn Tri Thức đặt câu hỏi.

Thực tế, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp (DN) TTBYT với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều giấy phép nhập khẩu TTBYT đã hết hạn từ ngày 31/12/2022. Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quản lý TTBYT, trong đó đang nghiên cứu vấn đề gia hạn giấy ĐKLH. Các DN kỳ vọng, nghị định thay thế này sẽ được ban hành trước ngày 15/1/2023, để sớm khắc phục bất cập, khó khăn, vướng mắc hiện nay của các chủ thể trong hoạt động KCB.

“Hồ sơ đề nghị gia hạn tồn đọng nhiều là do không có sự phân luồng, không áp dụng các hàng rào kỹ thuật, trong khi biên chế không được tăng. Mặt khác, việc cấp phép giấy ĐKLH hiện nay là một dạng cơ chế xin - cho, rất dễ xảy ra tiêu cực. Có trường hợp, cùng 1 mặt hàng của 1 nhà sản xuất và hồ sơ nộp y chang nhau, nhưng có DN được cấp phép ngay, có DN phải chờ đợi hàng năm trời… Trước đây phải có “bôi trơn” mới làm, nhưng nay DN sợ không dám “bôi trơn” nên cán bộ lấy cớ tồn đọng nhiều hồ sơ để không giải quyết, thế nên DN phải “chạy”. Nếu kéo dài tình trạng như vậy, người bệnh sẽ khó tiếp cận thuốc kịp thời, đặc biệt là thuốc mới phát minh”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn chỉ ra.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, một khi DN còn phải đeo bám việc giải quyết TTHC, thì chưa thể nói là thực hiện TTHC hiệu quả. Khi DN kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế phản hồi ngay, đúng thời hạn, trong đó phải hướng dẫn rõ ràng, cụ thể; đồng thời, nêu rõ những vấn đề nào chưa thể giải quyết, còn vướng ở đâu để DN nắm bắt thông tin kịp thời.

Đẩy mạnh số hóa công tác cấp phép

Nhận diện rõ những vấn đề bất cập nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm qua, Bộ đã nỗ lực rà soát, nghiên cứu đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành y tế. Tháng 9/2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BYT, trong đó đơn giản hóa nhiều thủ tục cấp giấy ĐKLH…

Cùng với các giải pháp trước mắt nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương xây dựng Luật Dược (sửa đổi), Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP về quản lý TTBYT… nhằm đẩy nhanh, giải quyết triệt để vấn đề gia hạn giấy ĐKLH.

Liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, các quy định liên quan đến quy trình, TTHC trong Luật chủ yếu tập trung vào các nội dung cấp giấy phép hành nghề (GPHN). Đây là những quy trình, TTHC cần thiết nhằm đảm bảo quản lý chất lượng của người hành nghề và chất lượng hoạt động của cơ sở KCB, đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ KCB của người bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đưa TTHC của ngành y tế thực hiện trực tuyến. Mặt khác, Luật quy định mang tính rất linh hoạt theo hướng: khi người hành nghề nộp hồ sơ xin gia hạn đúng quy định, nhưng đến ngày hết hạn ghi trên GPHN mà cơ quan cấp GPHN không có văn bản trả lời thì GPHN đó tiếp tục có hiệu lực.

Về thời gian xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã rút ngắn rất nhiều để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Cụ thể, thời gian cấp mới GPHN giảm từ 60 ngày xuống 30 ngày và thời gian cấp lại GPHN từ 30 ngày xuống 15 ngày; thời gian cấp mới giấy phép hoạt động (GPHĐ) của cơ sở KCB từ 90 ngày xuống còn 60 ngày và thời gian cấp lại GPHĐ là từ 30 ngày xuống còn 20 ngày...

“Việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng thời với việc phân cấp cho chính quyền địa phương trong các hoạt động cấp GPHN, GPHĐ và quy định rõ ràng về thủ tục hồ sơ, quy trình sẽ khắc phục tình trạng xin - cho”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - đại diện Cơ quan thẩm tra Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục