Các chính sách hỗ trợ thuế đã tác động trực tiếp đến nguồn tài chính của doanh nghiệp, góp phần duy trì sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2024, thu NSNN đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 110,1% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 102,5% dự toán.
Về thu ngân sách từ xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 715 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng thặng dư 24,31 tỷ USD. Số thu NSNN trong hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng do ngành hải quan quản lý đạt 102,6% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023. Về số thu từ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 11 tháng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành tài chính ước tính, tổng thu ngân sách nội địa cả năm 2024 có thể sẽ vượt trên 220.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 15%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn lực tài khóa dồi dào hiện có tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, hướng tới hoàn thành các mục tiêu của năm 2025.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp các khoản thu NSNN đã trở thành một sự hỗ trợ thiết thực, giúp DN có thêm nguồn lực đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT còn giúp tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, qua đó, nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho các DN.
Tuy nhiên, theo bà Nga, nền kinh tế và DN vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Để thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế, trước hết cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đưa đầu tư công trở thành động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân thông qua việc thực hiện nghiêm các quy định mới về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất…
Lũy kế 11 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Nhã Chi |
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa dồi dào do nguồn thu NSNN được cải thiện đáng kể trong năm 2024, nên duy trì chính sách hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn sắp tới để tiếp tục củng cố nội lực cho DN, tạo bước đệm tăng trưởng bền vững bằng viêc giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Nhìn lại việc triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian qua, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách nhằm kích thích nhu cầu của thị trường thông qua các biện pháp tài khóa, trong đó các chính sách về miễn, giảm và giãn thuế đóng vai trò quan trọng. Theo đó, từ 2020 đến nay, trung bình mỗi năm các giải pháp hỗ trợ về thuế đã chiếm khoảng 10 - 15% tổng thu NSNN. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2024, Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% (còn 8%).
Năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp miễn, giảm và giãn thuế với tổng giá trị lên tới 97.000 tỷ đồng, giúp hơn 100.000 đối tượng thụ hưởng. Trong đó, riêng thuế VAT giảm khoảng 67.000 - 70.000 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ thuế này đã tác động trực tiếp đến nguồn tài chính của doanh nghiệp, góp phần duy trì sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, qua đó tạo ra động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Đáng chú ý, mặc dù áp dụng chính sách giảm thuế, song số thu từ một số khu vực quan trọng vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chẳng hạn, trong 11 tháng đầu năm 2024, mặc dù thuế VAT giảm, nhưng thu từ loại thuế này vẫn tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng tăng nhẹ. Trong 3 năm liên tiếp, thu ngân sách đã vượt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, năm 2023, thu nội địa đã vượt hơn 200.000 tỷ đồng.
Theo ông Minh, điều này cho thấy tác động tích cực của chính sách kích cầu đã giúp tăng trưởng và tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển cho nền kinh tế và chứng tỏ các chính sách thuế không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho DN mà còn tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2025, dự báo tình hình biến động của thế giới chưa thể ổn định và vẫn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước, Quốc hội, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế.
Tại Nghị quyết 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt các biện pháp thu NSNN năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao; sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm.