Năm 2018 được dự báo dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam gia tăng mạnh nếu một số hạn chế trong môi trường đầu tư được tháo gỡ. Ảnh: Lê Tiên |
Lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam
Tại cuộc Họp báo công bố Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra sáng ngày 6/2, ông Hirobobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhận xét, năm 2017 tiếp tục là năm DN Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư từ Nhật Bản vượt mức kỷ lục, với 8,6 tỷ USD, đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Số dự án đầu tư mới ghi nhận mức tăng kỷ lục, với 367 dự án.
Thông tin về kết quả cuộc khảo sát, ông Hirobobu Kitagawa cho biết, Khảo sát được thực hiện từ tháng 10 và tháng 11/2017 thông qua phiếu câu hỏi gửi tới 1.345 DN Nhật Bản tại Việt Nam nhằm nắm bắt thực trạng hoạt động sản xất kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Cuối kỳ ghi nhận có 652 DN trả lời hợp lệ. Các câu trả lời đều cho thấy, DN Nhật Bản có niềm tin tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, năm 2017, có hơn 65% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn có lãi, tăng 2,3 điểm so với năm 2016. Lợi nhuận của gia công xuất khẩu tương đối tốt.
Về triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoảng 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. “Đây là tỷ lệ rất cao, trong khi kết quả khảo sát ở Trung Quốc cho thấy có chưa tới 50% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư, còn ở các nước ASEAN thì cũng chỉ khoảng trên mức này một chút”, đại diện JETRO so sánh.
Về khuynh hướng đầu tư, bên cạnh tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì hiện nay DN Nhật Bản cũng có xu hướng đầu tư vào nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam. Sở dĩ có sự dịch chuyển này là bởi, với các DN Nhật Bản, hiện Việt Nam không chỉ dừng lại là quốc gia giữ vai trò là trung tâm sản xuất mà còn là quốc gia đóng vai trò là trung tâm của các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của họ.
Cũng tại Khảo sát này, JETRO chỉ ra Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi trong môi trường đầu tư như: Quy mô thị trường tốt, khả năng tăng trưởng cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ… tiếp tục là những điểm cộng để Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Nhật Bản.
“Năm 2018, tiếp tục là năm được dự báo dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam gia tăng mạnh nếu một số hạn chế trong môi trường đầu tư được tháo gỡ”, ông Hirobobu Kitagawa nhận định.
Song vẫn còn rủi ro
Lưu ý về những rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Hirobobu Kitagawa cho biết, Khảo sát cho thấy, môi trường đầu tư vẫn còn nguyên vẹn 5 rủi ro của nhiều năm trước chưa được hạn chế hay tháo gỡ. Đó là, có tới hơn 60% DN Nhật Bản cho rằng chi phí nhân công tăng cao nhưng năng suất lao động không tăng; tiếp đến là khoảng 50% DN chỉ ra hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật thiếu minh bạch; khoảng 40% DN nhận thấy phiền hà trong cơ chế, thủ tục phức tạp cùng với đó là hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện.
Khảo sát của JETRO còn chỉ ra một thách thức khác, đó là, hiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện còn thấp. Đơn cử, năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức 33,2%, giảm nhẹ so với năm 2016. Tỷ lệ này vẫn thấp so với Trung Quốc (67,3%), Thái Lan (56,8%)… Đặc biệt, tỷ lệ cung ứng của DN nội địa các vùng miền có sự chênh lệch, nếu như ở miền Nam là 15,8% thì ở miền Bắc chưa đạt 10%.
“Đây là kết quả đáng tiếc”, ông Hirobobu Kitagawa ngậm ngùi và cho biết, hiện các DN Nhật Bản tại Việt Nam vẫn phải “vất vả” mua linh phụ kiện từ các nước khác phục vụ cho sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu. Việc sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu cũng là rủi ro không nhỏ của các DN Nhật Bản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo giới là liệu những rủi ro, thách thức nêu trên có làm DN Nhật Bản tại Việt Nam nản lòng khi đầu tư tại Việt Nam hay không, đại diện JETRO khẳng định: “Không có chuyện các DN Nhật Bản nản lòng, bởi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản”. Giải thích cho nhận xét đưa ra, theo ông Hirobobu Kitagawa, khi các DN Nhật Bản mới sang Việt Nam đầu tư, họ thường mang môi trường đầu tư của Nhật Bản hay một số nước phát triển khác để so sánh. Do vậy, phần nào những nhận xét về mức độ rủi ro trong môi trường đầu tư trong Khảo sát cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ rủi ro có thể bị đẩy lên cao hơn thực tế. Song, theo ông Hirobobu Kitagawa, cho dù kết quả không phải hoàn toàn như đánh giá thì vẫn là thách thức Việt Nam cần nhìn nhận để có những cải thiện hơn nữa trong môi trường đầu tư.