Xỉ hạt lò cao ở trong nước sẽ là nguồn nguyên liệu góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành vật liệu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Thiếu tiêu chuẩn, định mức
TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, công nghiệp gang thép Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao. Sản lượng gang năm 2020 có thể đạt 7 triệu tấn và sẽ đạt 13 triệu tấn vào năm 2020. Sản lượng thép thô ước đạt 14 triệu tấn trong năm 2018 và có thể đạt 20 triệu tấn vào năm 2020. Cùng với đó, khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép năm 2018 có thể đạt 4,23 triệu tấn và dự kiến đạt 7,1 triệu tấn vào năm 2020. Theo ông Sưa, việc xử lý và sử dụng xỉ luyện gang và luyện thép mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường và có đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững.
Thế nhưng, tại Hội thảo thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép Việt Nam diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều DN cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc đưa xỉ vào ứng dụng.
TS. Mai Văn Thanh, đại diện Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát cho biết, kết quả nghiên cứu chế biến, tiêu thụ và sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn (GGBS) làm phụ gia cho sản xuất xi măng và bê tông tại Hòa Phát đã tạo ra bước đột phá trong việc cung cấp khối lượng lớn vật liệu GGBS cho thị trường bê tông và xi măng. Cụ thể là, khi sử dụng GGBS góp phần giảm giá thành bê tông trộn sẵn; tăng sản lượng xi măng mà không cần đầu tư thêm máy nghiền, góp phần giảm phát thải cacbonic… “Song, thực tế, chúng ta còn thiếu định mức về tiêu chuẩn bê tông sử dụng xỉ lò cao. Một định mức được ban hành thì mới có thể đưa vào sử dụng rộng rãi tại các công trình”, TS. Thanh phản ánh.
Chia sẻ về việc sử dụng xỉ tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đại diện doanh nghiệp cho hay, hiện xỉ của Công ty đã được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. “Mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Hơn nữa, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đối với xỉ từ luyện thép, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành tiêu chuẩn này”.
Xỉ từ luyện gang thép không phải là phế phẩm
Cũng tại Hội thảo, TS. Mai Văn Thanh khẳng định, xỉ từ luyện gang không phải là phế phẩm, có thể ứng dụng rất tốt vào trong việc sản xuất vật liệu xây dựng…
Theo TS. Thanh, năm 1892, người Đức đã phát hiện ra xỉ lò cao có chứa các oxit hoạt tính và có khả năng phản ứng với vôi tạo thành chất kết dính và tới năm 1895, họ bắt đầu sản xuất xi măng xỉ vôi và sau đó là xỉ hạt lò cao được sử dụng phổ biến làm phụ gia hoạt tính cho xi măng. Với độ bền cao trong môi trường nước và đặc biệt là trong môi trường xâm thực nước biển nên xi măng xỉ lò cao trở nên nổi tiếng và được sử dụng nhiều ở châu Âu.
Tại Nam Phi, năm 1958, người dân đã sấy khô và nghiền mịn xỉ hạt lò cao thành bột và đưa vào hỗn hợp bê tông trộn sẵn. Tiếp đó, năm 1982, Hoa Kỳ đã ban hành Tiêu chuẩn xỉ hạt lò cao cho bê tông và vữa… trong đó, bột xỉ được gọi là “phụ gia khoáng” và được phân loại như thành phần thứ 6 của bê tông. Kể từ đó, bột xỉ lò cao nghiền mịn đã được cung cấp trực tiếp cho các trạm bê tông trộn sẵn, các nhà máy bê tông đúc sẵn. Hiện GGBS được sử dụng phổ biến làm phụ gia cho bê tông và xi măng ở nhiều nước.
Thông tin về việc sử dụng xỉ từ luyện gang thép tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hết tháng 9/2018, xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất sản phẩm bằng công nghệ lò quay phương pháp khô. Phụ gia cho sản xuất xi măng từ xỉ hạt lò cao đã được đưa vào sử dụng. Đặc biệt, theo ông Cung, khi năng lực nghiền xi măng của Việt Nam ngày càng tăng, lượng xỉ hạt lò cao ở trong nước nếu được xử lý tốt sẽ là nguồn nguyên liệu quý, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá bán hàng hóa cũng như tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, ứng dụng sản phẩm xỉ cũng đang tăng dần trong việc làm vật liệu san lấp thay thế đá tự nhiên…
Từ thực trạng đó, nhiều ý kiến tại Hội thảo kiến nghị, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chế biến và sử dụng xỉ từ luyện gang thép, coi đây là sản phẩm phụ của ngành gang thép để thúc đẩy sử dụng…