Những thủ tục hành chính gây nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đất đai, thuế, phí, bảo hiểm xã hội và xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Báo cáo PCI 2021, mặc dù cải cách thủ tục hành chính (TTHC) từ năm 2018 trở lại đây đã có những bước tiến, nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN chưa hài lòng khi thực hiện các TTHC. Gánh nặng TTHC có chiều hướng tăng trở lại sau nhiều năm liên tiếp giảm, tỷ lệ DN chưa hài lòng khi thực hiện TTHC tăng từ 22% năm 2020 lên 26% năm 2021.
Những TTHC gây nhiều khó khăn nhất cho DN thuộc lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng. Cụ thể, tỷ lệ DN gặp trở ngại trong thực hiện TTHC lĩnh vực thuế, phí tăng từ 21,81% năm 2020 lên 29,02% năm 2021, lĩnh vực đất đai tăng từ 28,58% lên 28,92%, lĩnh vực xây dựng tăng từ 10,98% lên 13,07%… Trong lĩnh vực đất đai, tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “DN sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất” khá thấp, chỉ khoảng 29% (năm 2013 là 40%).
Riêng đối với TTHC cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Báo cáo PCI 2021 cho thấy, 38,9% DN không gặp khó khăn gì; 43,4% DN cho biết thời gian giải quyết TTHC không kéo dài hơn so với quy định; 39,1% DN ghi nhận chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.
Kết quả của PCI 2021 khá tương đồng với Báo cáo Tổng kết chương trình tổng thể cải cách TTHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2023 của Bộ Nội vụ được công bố gần đây. Cụ thể, Báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ ra rằng cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân, DN ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách thủ tục chưa cao.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, theo Báo cáo PCI 2021, một phần là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả làm việc của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, do trong năm 2021, nhiều cơ quan tăng cường quản lý các lĩnh vực nêu trên như một phần của nỗ lực nâng cao mức độ tuân thủ.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI, các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích của Nhà nước khi đạt được những mục tiêu trên và gánh nặng tạo ra đối với hoạt động của DN. Các địa phương cần nỗ lực cải cách hơn nữa, tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ TTHC, đặc biệt là các thủ tục cấp phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, địa phương nào có cách làm thực chất, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN thì sẽ nhận lại được sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng DN, cho dù họ vẫn gặp khó khăn về thị trường, tiếp cận thông tin… Với nhiều cách làm sáng tạo, Quảng Ninh, Đồng Tháp là những minh chứng rõ nét nhất, liên tục nằm trong top 5 về PCI suốt nhiều năm qua.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh lý giải, một số DN có cảm nhận không hài lòng về cách thức giải quyết TTHC có thể một phần do họ không nắm vững, hiểu rõ các quy định. Việc tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN sẽ giảm bớt những hiểu nhầm, đánh giá sai về những nỗ lực cải cách của chính quyền.
Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cần đẩy mạnh việc nêu gương và gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo minh bạch trong thực hiện TTHC. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn các chính sách pháp luật mới để nâng cao năng lực thực thi công vụ, làm sao cho cán bộ các sở, ban ngành thực hiện và vận dụng đúng quy định pháp luật, giải quyết nhanh và thông thoáng cho DN. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao đạo đức công vụ của người thực hiện, kiên quyết không dung túng, bao che đối với hành vi tiêu cực. Mở ra nhiều kênh để người dân, DN có thể phản ánh đến người đứng đầu, trong đó công khai số điện thoại của Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh.