Nhiều ví điện tử có thể sẽ là… gạch lót đường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thêm ba tổ chức trung gian thanh toán (ví điện tử) được cấp phép từ đầu năm đến nay, đưa thị trường ví điện tử vốn đã cạnh tranh gay gắt càng trở nên khốc liệt. Giới chuyên môn dự báo có không ít ví sẽ trở thành “gạch lót đường” và cùng với đó là những cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ví điện tử.
Nhiều ví điện tử có thể sẽ là… gạch lót đường

Cạnh tranh khốc liệt

Ba ví điện tử được cấp phép từ đầu năm đến nay - theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - gồm Công ty CP Thanh toán G (G PAY), Công ty CP Công nghệ VIDIVA (VIDIVA) được cấp phép trong tháng 4 và Công ty CP Viễn thông FPT (FPT TELECOM) được cấp phép vào đầu tháng 7/2020, qua đó đưa số lượng ví điện tử trên thị trường lên con số 35. Theo tìm hiểu, một số doanh nghiệp đã và đang làm đề án gửi NHNN để gia nhập thị trường ví điện tử. Do vậy, nhiều khả năng số ví trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và cuộc cạnh tranh đối với mảnh đất đang được xem là màu mỡ này dự báo sẽ còn khốc liệt hơn.

Thực tế trên không khó nhận biết khi trong những cửa hàng ăn uống, thời trang… tại hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, có tới 4 - 5, thậm chí gần chục biểu tượng chấp nhận thanh toán/QR code của rất nhiều đơn vị tổ chức thẻ, ví điện tử, ứng dụng thanh toán như VNPAY-QR, MoMo, Viettel Pay, Grab Moca, ZaloPay, Visa, Napas… Trong đó, “nóng nhất” là phương thức thanh toán bằng QR code.

Giám đốc kinh doanh VNPAY-QR Ngô Anh Tuấn cho biết, số điểm thanh toán của VNPAY-QR trong một năm qua đã tăng rất mạnh từ 20.000 điểm lên 70.000 điểm, hãng đã kết nối với 33 ngân hàng, 7 ví điện tử và có thể còn tiếp tục mở rộng. Ông Tuấn cũng cho biết, doanh số thanh toán qua mã QR trong quý I/2020 của VNPAY-QR đã tăng khoảng 550% so với cùng kỳ 2019. Thời điểm tháng 5, tháng 6 khi không còn giãn cách xã hội, doanh số tăng khoảng 150%/tháng.

Hay như ví điện tử Moca - đối tác của Grab cũng cho biết, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tháng 3/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó. Còn tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43% trong giai đoạn dịch bệnh. Cũng trong tháng “cao điểm của dịch Covid-19” (tháng 3), Ngân lượng tăng trưởng rất mạnh, hơn 30% so với tháng 1 và 2/2020; ZaloPay cũng tăng đột biến với mức tăng trưởng khoảng 36%.

Viễn cảnh gạch lót đường

Sở dĩ thị trường ví điện tử “tăng trưởng nóng” ngoài “nhân tố” dịch Covid-19 xuất hiện và tác động, thì thị trường này còn được đánh giá vô cùng tiềm năng tại Việt Nam. Một báo cáo được công bố tháng trước về Fintech và ngân hàng số 2025, do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.

Còn theo một khảo sát về sử dụng ứng dụng thanh toán di động tại Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus công bố hồi đầu năm, 70% người dùng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày. Hoạt động thanh toán qua ứng dụng di động phổ biến nhất là nạp thẻ điện thoại với hơn 50% người sử dụng, tiếp đến là hóa đơn Internet, điện, nước (41%), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân (40%), vé tại rạp chiếu phim (35%)…

Do thị trường tiềm năng và phù hợp với xu hướng tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nên số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường ngày một tăng nhanh. Hiện nay, ngoài 35 đơn vị cung cấp ví điện tử nêu trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang “ngấp nghé” miếng bánh này.

Giám đốc một ví điện tử cho biết, mặc dù lĩnh vực này đang phát triển và cạnh tranh khốc liệt, nhưng đến thời điểm hiện tại, chiến lược cạnh tranh cơ bản của các ví vẫn là khuyến mại để lấy thị phần. Bởi bản chất của ví điện tử là rẻ, nhanh và tiện lợi nên các ví đều tập trung tối đa vào quyền lợi của khách hàng, cụ thể là chính sách khuyến mại, trong đó tập trung vào những dịch vụ thiết yếu như thanh toán điện, nước… và các dịch vụ phổ biến như ăn, uống, mua sắm…

Ngoài ra, còn một kiểu cạnh tranh nữa là nhắm đúng đối tượng khách hàng trong hệ sinh thái của doanh nghiệp như Vingroup (VinID), Viettel (Viettel Pay), VNPT (VNPT Pay), ZaloPay, Grab, FPT…, do vậy mức độ cạnh tranh sẽ ít/thấp hơn, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.

“Chắc chắn tới đây, những ví điện tử có hệ sinh thái tốt, có lượng khách hàng đủ lớn sẽ tồn tại và phát triển, còn lại số đông các ví không có lợi thế này có thể sẽ chỉ là… gạch lót đường. Khi đó xu hướng mua bán, sáp nhập các ví điện tử sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn”, vị Giám đốc trên nhìn nhận.

Hiện nay, ngoài 35 đơn vị cung cấp ví điện tử trên thị trường, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang “ngấp nghé” miếng bánh này. Ảnh: Hoàng Lâm

Tin cùng chuyên mục