Nhiều việc cần làm để không bị gắn mác thao túng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Để ứng phó với việc bị gắn mác thao túng tiền tệ, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục làm việc với Chính phủ Mỹ để có những quyết sách hợp lý về đối ngoại và thương mại. Đồng thời xem xét điều chỉnh chính sách hối đoái phù hợp cho cả giai đoạn trung và dài hạn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Kết luận mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ trong Báo cáo Chính sách vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ cho thấy, Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) bị đánh giá là thao túng tiền tệ. Giới phân tích cho biết, theo quy định của luật pháp Mỹ, Chính phủ Mỹ và Việt Nam sẽ có tối đa 1 năm để thương lượng nhằm tìm ra các giải pháp làm giảm các bất đồng thương mại trước khi đưa ra các quyết sách tiếp theo.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Đánh giá về động thái này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính Mỹ để có cách giải quyết phù hợp là điều cần làm ngay. Các giải pháp tính đến bao gồm cả việc xem lại chính sách thương mại với các đối tác và điều chỉnh chính sách tỷ giá. Chẳng hạn, NHNN sẽ mua vào lượng ngoại tệ ít hơn và có thể để VND lên giá một chút so với USD.

“Thời gian gần đây, đồng USD đã giảm giá đáng kể trên thị trường, do đó, điều chỉnh cho VND tăng giá sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tính toán lộ trình tiếp tục mở cửa thương mại ở một số lĩnh vực, với một số thị trường để đa dạng hóa đối tác thương mại đầu tư”, ông Độ nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, giai đoạn này, Việt Nam cần tính toán nhiều hơn về chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách thương mại, đầu tư theo hướng điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, đa dạng hóa về đồng tiền dự trữ ngoại hối và đối tác thương mại, đầu tư.

Theo ông Đôn Tuấn Phương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ cần làm việc lại với nhau kỹ hơn để nhìn nhận bối cảnh 25 năm qua - từ sau khi bình thường hoá quan hệ, thương mại song phương tăng lên rất nhanh. Bên cạnh đó, cần nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Mỹ để đánh giá một cách rõ ràng hơn về vấn đề này.

“Cơ cấu thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau rất rõ, không phải cạnh tranh trực diện. Trên thực tế, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ giúp các doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi nhiều hơn”, ông Phương nêu quan điểm.

Từ góc độ chính sách tiền tệ, nhóm phân tích thuộc Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, với kết luận của Bộ Tài chính Mỹ, NHNN có thể sẽ hạn chế việc mua ngoại tệ trong thời gian tới và nhiều khả năng tiếp tục hạ giá mua vào đồng USD tại Sở Giao dịch NHNN.

Về trung và dài hạn, việc bị hạn chế công cụ mua ngoại tệ khiến các kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, trong năm 2021, với dự báo lạm phát chưa đáng lo ngại, NHNN sẽ tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có thể được thực hiện thông qua việc hạ thêm các mức lãi suất điều hành, áp trần lãi suất tiền gửi thay vì tiếp tục bơm thanh khoản ra thị trường.

Về diễn biến tỷ giá trong năm 2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, thị trường ngoại hối và tỷ giá được kỳ vọng ổn định, thậm chí ở một số thời điểm VND có thể mạnh lên so với USD nhờ nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp và kiều hối khá tích cực và cán cân thương mại hàng hóa dự báo tiếp tục thặng dư.

NHNN vẫn thể hiện chính sách linh hoạt và nhất quán nhằm hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và tỷ giá nói riêng. VCBS đánh giá tỷ giá vẫn có thể chịu những áp lực nhất định xung quanh các sự kiện biến động lớn, tuy nhiên, sẽ biến động với biên độ tăng/giảm 0,5% cho cả năm 2021.

Tin cùng chuyên mục