Nhiều vụ uy hiếp an ninh hàng không liên tiếp xảy ra

Trước việc người lạ đột nhập cơ quan kiểm soát không lưu, vượt rào lên máy bay... Bộ trưởng Giao thông yêu cầu xử lý nghiêm người liên quan.

Công ty quản lý bay miền Nam trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) luôn có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không túc trực. Đây là nơi quản lý vùng trời, điều hành các máy bay quốc tế đi, đến và quá cảnh qua vùng trời khu vực phía Nam của Việt Nam.

Chiều 20/3, trụ sở của đơn vị bất ngờ bị người đàn ông quốc tịch Thụy Điển trong trạng thái say rượu đột nhập, xông vào khu vực văn phòng của công ty.

Lực lượng an ninh sau đó khống chế và bàn giao ông ta cho Công an quận Tân Bình xử lý. Sự việc không ảnh hưởng đến trang thiết bị cũng như công tác điều hành bay tại Công ty quản lý bay miền Nam, song cho thấy an ninh tại một khu vực trọng yếu của hàng không đang rất lỏng lẻo.

Công ty quản lý bay Miền Nam. 

Vượt nhiều chốt an ninh đột nhập sân bay

Tiếp viên chuyến bay VN1265 của Vietnam Airlines (từ Vinh đi TP HCM) hôm 3/3 khi đón khách phát hiện nam thanh niên không có thẻ lên máy bay, không có tên trong danh sách hành khách. Lực lượng an ninh ngay sau đó đã giữ anh ta lại. Chuyến bay bị chậm gần 40 phút.

Tổ điều tra của Cục Hàng không xác định nam thanh niên đã trèo tường vào cảng hàng không Vinh, vượt qua nhiều chốt an ninh, đi xuyên qua sân đỗ tàu bay định lên máy bay. Do anh này có tiền sử bệnh tâm thần nên không bị truy cứu trách nhiệm.

Chỉ vài ngày sau, hai người khác bị phát hiện xâm nhập trái phép cảng hàng không Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), trong đó có người nghiện ma tuý.

Hay trước đó, cuối tháng 2, một hành khách nước ngoài đi chuyến bay VN943 hành trình TP HCM - Yangon (Myanmar) nhưng đã lên nhầm chuyến bay VN651 từ TP HCM đi Singapore. Sự số khiến chuyến bay VN651 cất cánh chậm 17 phút còn chuyến VN943 cất cánh chậm 27 phút.

Lực lượng an ninh mỏng

Trao đổi với PV, một lãnh đạo lĩnh vực hàng không đánh giá, tình trạng trên báo động an ninh hàng không dễ dàng bị uy hiếp. Việc người nước ngoài đột nhập vào Trung tâm quản lý bay Miền Nam là cực kỳ nguy hiểm.

"Đơn vị quản lý bay mỗi ngày điều hành hàng trăm chuyến bay ở phía Nam, để bị xâm nhập sẽ nguy hiểm gấp nhiều lần so với ở sân bay. Nếu kẻ đột nhập có vũ trang thì hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng", ông nói và cho biết đơn vị quản lý bay hiện có đội an ninh nhưng lực lượng này khá mỏng và lỏng lẻo, phải tăng cường nhiều hơn.

Theo đánh giá của Cục Hàng không, nguyên nhân dẫn đến các vụ uy hiếp an ninh là lỗi của những cá nhân không thực hiện đúng quy trình thực hiện công việc và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không.

Sân bay Vinh bị thanh niên đột nhập và lên tận máy bay. 

Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, các vụ gây mất an ninh hàng không dù chưa để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng các cơ quan, lực lượng chức năng phải tăng cường giải pháp, giảm tối đa những trường hợp tương tự.

Ông Thể yêu cầu, bất kỳ trường hợp đe dọa an ninh, an toàn hàng không xảy ra cần xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu - cụ thể là giám đốc cảng hàng không, cấp phó phụ trách an ninh. Cục Hàng không với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế nội bộ.

Khẳng định cần tập trung đầu tư hệ thống máy móc kiểm soát an ninh, đảm bảo tiếp cận đến những công nghệ tối tân nhất; tăng cường ngay hàng rào an ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ngành hàng không xây dựng một lực lượng đảm bảo an ninh chuyên nghiệp, sẵn sàng phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả với mọi tình huống.

Tin cùng chuyên mục