Samsung hy vọng Việt Nam sẽ được thừa nhận là nền kinh tế thị trường trong một tương lai gần. Ảnh Internet |
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của năm 2016. Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của lĩnh vực này trong nhiều năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chỉ tính riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Glaxy Note 8 đã giúp ngành công nghiệp điện tử trong quý III đạt tốc tộ tăng trưởng 45%.
Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam, ông Bang Hyun Woo, đánh giá rất cao các chính sách và nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của chính quyền địa phương. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam là nước có sức cạnh tranh khá tốt.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra vướng mắc không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà còn đối với các doanh nghiệp nội địa khi có hoạt động xuất khẩu. Đó là các điều kiện liên quan đến giao dịch. Việt Nam hiện vẫn chưa được công nhận rộng rãi là nền kinh tế thị trường, trong quá trình giao dịch đối với các đối tác nước ngoài không tránh khỏi mất lợi thế riêng. Samsung hy vọng Việt Nam sẽ được thừa nhận là nền kinh tế thị trường trong một tương lai gần. Ông cho rằng khi đó, sản phẩm “made in Việt Nam” sẽ có vị thế rất là cao trên thị trường thế giới vươn xa hơn trên thị trường thế giới.
Cũng liên quan đến vấn đề nền kinh tế thị trường, bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)cho biết: “Một sự kiện quan trọng giữa Việt Nam và Châu Âu là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Một khi Hiệp định này có hiệu lực thì có nghĩa Việt Nam sẽ phải thực hiện rất nhiều cải cách mà để thực hiện được thì cần phải có một nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn,Việt Nam sẽ phải cải thiện quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư hay nhiều chính sách khác để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước. Điều đó không chỉ giúp Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện hệ thống kinh tế mà đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc đưa hàng hóa của họ vào thị trường Châu Âu.
Ngoài ra, vấn đề chậm trễ trong cấp phép đầu tư cũng được ông Nguyễn Văn Hòa, Trợ lý Phòng Kinh tế Đại sứ quán Mỹ nêu ra. Ông cho biết: “Doanh nghiệp Mỹ họ thường phàn nàn việc cấp phép đầu tư rất chậm. Mặc dù trong luật nói là cấp phép đầu tư đơn giản nhất là 15 ngày hoặc là 55 ngày nhưng trên thực tế chưa thấy trường hợp nào được cấp phép đúng thời gian”.