Nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa âm 1,3 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm |
Kinh doanh ảm đạm
Nửa đầu năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVC-TH chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 43,5% so với cùng kỳ 2016. Với doanh thu như vậy, PVC-TH không thể bù đắp các khoản chi phí về vốn, quản lý doanh nghiệp dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2016, Công ty cũng chỉ ghi nhận lãi 0,6 tỷ đồng.
Khoản lỗ nửa đầu năm 2017 của PVC-TH sẽ tăng mạnh nếu Công ty thực hiện trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi. Theo ý kiến ngoại trừ của Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM, trong năm 2015, PVC-TH đã hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 11,7 tỷ đồng. Đến thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ 2017, mặc dù chưa thu hồi bất kỳ số tiền nào từ các khoản nợ phải thu đã trình bày, nhưng PVC-TH chưa tái lập dự phòng đối với các khách nợ liên quan. Như vậy, nếu thực hiện trích lập 11,7 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi thì khoản lỗ của PVC-TH sẽ tăng lên tương ứng.
Cả năm 2016, PVC-TH cũng chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ lên đến 210 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận của PVC-TH là quá khiêm tốn. Thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2016 của Công ty chỉ đạt 49 đồng, còn nửa đầu năm 2017 là âm 66 đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2017 là 81,6 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải cho mức giá èo uột (xung quanh mức 2.000 đồng/CP) của cổ phiếu PVH trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu PVH được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 19/5/2017 với giá 6.600 đồng/CP. Ngay sau khi lên sàn, giá cổ phiếu này đã giảm rất mạnh.
Dấu hỏi về số liệu trên báo cáo tài chính
Bên cạnh việc kinh doanh kém hiệu quả, CPA cũng đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ về số liệu trong báo cáo tài chính bán niên 2017 của PVC-TH.
Cụ thể, khoản phải thu có giá trị 7,4 tỷ đồng đối với ông Dương Trọng Hưng liên quan tới chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã thực hiện nhưng không có hóa đơn chứng từ. Các khoản chi phí này phát sinh từ năm 2011, là thời điểm ông Hưng là cán bộ của Công ty. Đến nay, ông Hưng vẫn chưa xác nhận khoản nợ này và Công ty chưa thu hồi được bất kỳ số tiền nào từ số nợ phải thu của ông Hưng, đồng thời cũng chưa tiến hành trích lập dự phòng cho khoản phải thu này. Báo cáo tài chính giữa niên độ cũng chưa phản ánh chi phí lãi tiền vay đối với khoản vay đầu tư xây dựng bất động sản đầu tư cho thuê. Theo ước tính của kiểm toán, lãi tiền vay chưa được ghi nhận là 1,2 tỷ đồng.
Kiểm toán CPA cho rằng, khoản chi phí đi vay (ước tính) năm 2015 là gần 37 tỷ đồng, năm 2016 là 36,4 tỷ đồng và của 6 tháng đầu năm 2017 là 18,2 tỷ đồng của Dự án “Khách sạn Lam Kinh” chưa được ghi nhận và mức chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được và giá gốc của Dự án “Khách sạn Lam Kinh” là âm 5,7 tỷ đồng chưa được ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong báo cáo tài chính giữa niên độ 2017.
Ngoài ra, kiểm toán nhấn mạnh về vấn đề liên quan tới số dư khoản mục chi phí xây dựng cơ bản của Dự án 157 ha Nghi Sơn 22,2 tỷ đồng. Dự án đã bị chấm dứt tại ngày 1/8/2013 theo Quyết định số 235/QĐ-BQLKKTNS của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn. Ngày 24/9/2014, Công ty đã có biên bản làm việc với đối tác là Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng An Phát đồng thời là cổ đông lớn về việc thỏa thuận hoàn trả chi phí đã đầu tư tại Dự án. Theo đó, thống nhất giá trị đầu tư được hoàn trả là 14,7 tỷ đồng, giá trị chưa được thống nhất là 11,6 tỷ đồng, liên quan tới chi phí đền bù giải phóng mặt bằng mà Công ty đã ứng cho các hộ dân để thu hồi đất do chưa hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Công ty đang trong quá trình làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng An Phát để làm rõ giá trị còn chưa thống nhất.