Nhức nhối vấn nạn phí “lót tay” thuế, hải quan

(BĐT) - Tại Hội thảo trao đổi về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 16/5, cộng đồng doanh nghiệp (DN) châu Âu đã bày tỏ quan ngại đối với khung pháp lý và cách thức thực thi quy định hải quan tại Việt Nam.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy, có 31% số DN phải trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Ảnh: Minh Yến
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy, có 31% số DN phải trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Ảnh: Minh Yến

Doanh nghiệp ngại đòi tiền từ cơ quan thuế, hải quan

Theo ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - Rượu mạnh (thuộc EuroCham), những sai sót hành chính của DN được sử dựng như là cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không dựa trên những quy tắc công bằng đang làm suy yếu lòng tin của các DN châu Âu đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Liên quan đến việc tính tiền chậm nộp (phạt chậm nộp), bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, thông tin, Luật Quản lý thuế hiện hành đã xử lý giảm dần tiền chậm nộp đối với DN vi phạm. Theo đó, từ ngày 1/7/2016 đến nay, mức tính là 0,03%/ngày. Nếu trách nhiệm thuộc về cán bộ, cơ quan thuế, hải quan thì Luật quy định cơ quan thuế, hải quan phải chịu trách nhiệm trả thêm cho DN số tiền lãi do thu thuế quá, ấn định thuế sai, hoàn thuế chậm.

Trên thực tế, tỷ lệ quy định giữa cơ quan thuế, hải quan so với DN phải tính chậm nộp được tính theo cơ sở khác nhau. DN khi chậm nộp phải tự tính tiền chậm nộp, nếu không tự tính thì cơ quan thuế, hải quan sẽ truy thu. “Song, ngược lại, việc cơ quan thuế, hải quan muốn trả tiền lại cho DN lại phải qua nhiều bước thủ tục hành chính; khi đó DN đôi lúc ngại va chạm nên ít làm thủ tục đòi tiền từ cơ quan thuế, hải quan. Chính điều này làm cho DN cảm nhận rằng, họ chưa được đối xử bình đẳng trong hoạt động thuế, hải quan”, bà Cúc lý giải.

“Chúng tôi muốn hợp tác và hỗ trợ Chính phủ nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhưng nếu DN không nhận được sự hỗ trợ trong quá trình hoạt động kinh doanh thì nỗ lực trên rất khó có thể thành công”, ông Shivam Misra thẳng thắn nêu quan điểm. 

Vấn nạn chi phí “lót tay” gia tăng

Thời gian qua, Việt Nam đã có những cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng mức độ dễ dàng khi nộp thuế theo đánh giá của Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017. Song, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, nếu một số bất cập trong lĩnh vực thuế được giải quyết tốt, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các chuyên gia còn đưa ra khá nhiều kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của DN với ngành thuế, hải quan năm 2016. Trong đó, vấn nạn “phí lót tay” gây bức xúc trong dư luận bấy lâu không những không hề thuyên giảm, mà có sự gia tăng trong năm 2016.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy, có 55% DN từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế trong năm gần nhất. Có 41% DN gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó, DN FDI là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất với 53%, kế đến là các DN dân doanh với tỷ lê ̣ 41%. Đối với các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tỷ lê ̣có gặp phiền hà thấp nhất, đang là 30%.

Đối với hải quan, vẫn có 31% DN trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan. So với năm 2015, tỷ lệ trả chi phí không chính thức đã tăng từ 28% lên 31%. Bên cạnh đó, ở khâu kiểm tra thực tế hàng hóa, các DN cho biết, khó khăn lớn nhất liên quan tới sự phối hợp chưa đồng bộ giữa hải quan và cơ quan khác (14%), kế đến là các quy định hay thay đổi (13%).

Tính riêng về chi phí ngầm, kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy, có tới 34% DN cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức, con số này năm 2014 là 32%. Với các DN FDI, tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức lên tới 44%.

Đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 của VCCI cũng thừa nhận chi phí không chính thức đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong sự “đo lường” về mức độ hài lòng của DN. Theo đó, 35% DN đã phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần làm thủ tục kiểm tra sau thông quan. Và 10% số DN trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng từ chối không thực hiện thủ tục hoàn thuế do lo ngại phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng mức độ dễ dàng khi nộp thuế theo đánh giá của Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017. Song, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, nếu một số bất cập trong lĩnh vực thuế được giải quyết tốt, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.