Những con “át chủ bài” của tăng trưởng công nghiệp

(BĐT) - 6 tháng cuối năm 2017, ngành công thương sẽ có thêm nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%. Trên cơ sở đó, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp lớn mang tính nền tảng để đạt mục tiêu chung.
Bộ Công Thương nhận định, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Tiên Giang
Bộ Công Thương nhận định, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Tiên Giang

Những dự báo tích cực

Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng cuối năm 2017, tại Cuộc họp báo thường kỳ quý II/2017 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 14/7, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công thương còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2017.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, dự báo 6 tháng cuối năm 2017 giá dầu thô diễn biến khó lường, tình hình khai thác dầu khí khó khăn hơn 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu dầu khí nước ngoài có kế hoạch cụ thể để đảm bảo khai thác hơn 1 triệu tấn dầu thô và 1 tỷ m3 khí so với kế hoạch được giao, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt trên 13,28 triệu tấn dầu thô và 10,6 tỷ m3 khí, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với khai thác than, năng lực sản xuất của ngành còn dư địa để gia tăng sản lượng. Vì thế, Bộ sẽ chỉ đạo phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 39,4 triệu tấn, tăng 2,4% so với năm 2016. Với các khoáng sản khác, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị để các doanh nghiệp sớm thực hiện các đơn hàng xuất khẩu ở mức tối đa, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Tại nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công Thương nhận định có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm, dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ đạt và vượt mức kế hoạch đặt ra. Dẫn kết quả rà soát, đánh giá khả năng tăng trưởng nửa cuối năm 2017 của 24 sản phẩm chủ yếu của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, nhiều sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (trên 8%) như: sắt thép thô, xi măng, sơn hóa học…

Nhìn từ hoạt động xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2017 sẽ tiếp tục là điểm sáng của ngành công thương. Xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, như dệt may, giầy dép, đồ gỗ. Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với năm 2016 và vượt chỉ tiêu kế hoạch. 

3 trọng tâm lớn

Theo ông Đỗ Thắng Hải, để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7%, trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt tập trung thực hiện các giải pháp lớn, mang tính nền tảng với 3 trọng tâm lớn là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và phát triển thị trường trong nước.

Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng ngành như: khẩn trương và tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí; rà soát, tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước và tập trung giải quyết các dự án còn tồn đọng, vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh…

Về xuất nhập khẩu, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu…

Đối với giải pháp thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước, Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối; hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng...