Ngày 22/5/2016 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 |
18% người dân tộc thiểu số và 35% là phụ nữ
Một trong những điểm mới trong Luật (được quy định tại Chương I từ Điều 1 đến Điều 6) là trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thực hiện như trước đây.
Bên cạnh đó, Luật lần này quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do UBTVQH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do UBTVQH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Cùng với đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ. Số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Hội đồng bầu cử quốc gia - thiết chế hiến định mới
Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) là một thiết chế hiến định mới trong Hiến pháp 2013. HĐBCQG là cơ quan do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Luật bầu cử lần này quy định cụ thể ba nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG: nhiệm vụ, quyền hạn chung của HĐBCQG đối với công tác bầu cử; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ trình Quốc hội kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG đối với bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Một điểm mới nữa trong Luật là mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc.
Về nguyên tắc bỏ phiếu và trình tự bỏ phiếu, Luật giữ nguyên quy định về thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày. Quy định này nhằm đảm bảo kết quả kiểm phiếu của các khu vực bầu cử không tác động đến việc bầu cử của khu vực bỏ phiếu khác.
Hiện có 10 tỉnh, thành phố thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của UBTVQH. Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được ban hành đã quy định mỗi cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Do đó, Luật này đã có quy định riêng đối với việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Bầu cử là dịp để nhân dân thực hiện quyền dân chủ
Theo Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 ngày 14/1/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày Chủ nhật, 22/5/2016.
Đây là dịp để chúng ta tiếp tục củng cố, xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; nhận thức một cách sâu sắc về vai trò, vị trí của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong hệ thống chính trị, đặt ra những vấn đề đổi mới trong tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; góp phần vào việc tuyên truyền để nhân dân nắm rõ được các quy định của pháp luật về bầu cử, nhất là những điểm mới của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, qua đó để nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử để chọn được những người có đức, có tài, “vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. Là dịp để nhân dân thực hiện quyền dân chủ, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước Đảng, trước vận mệnh của đất nước trong thời gian tới.