Những “hàng rào” ngăn cách các nhà đầu tư Nhật Bản

(BĐT) - Sự chậm chạp, thiếu minh bạch của cơ quan quản lý và cách hành xử từ phía đối tác Việt Nam thời gian gần đây đang làm giới đầu tư Nhật tại TP.HCM nao núng.
Công ty Tân Đức đổ đất chắn ngang cổng ra vào nhà máy Công ty Tango Candy, Nhật Bản. Ảnh: An Long
Công ty Tân Đức đổ đất chắn ngang cổng ra vào nhà máy Công ty Tango Candy, Nhật Bản. Ảnh: An Long

Nhiều vụ việc khiến nhà đầu tư bức xúc

Vụ việc Công ty CP Đầu tư Tân Đức – chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức, Long An đổ đất chắn ngang cổng ra vào nhà máy Công ty Tango Candy (100% vốn Nhật Bản) ở KCN Tân Đức nhằm yêu cầu trả thêm mức duy tu kết cấu hạ tầng (10.018 đồng/m2/năm) đã và đang gây bất bình trong dư luận về kiểu hành xử “luật rừng” và tạo một hình ảnh xấu trong mắt giới đầu tư Nhật Bản.

Tổn thất của Tango Candy (thành viên Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO tại TP.HCM) qua vụ việc này thậm chí nhiều hơn mức yêu cầu trả thêm của Công ty Tân Đức. Thế nhưng doanh nghiệp (DN) này nhất quyết không trả thêm tiền vì quan điểm giữ nguyên tắc minh bạch, giá phải theo khung của Nhà nước, chứ không phải muốn tuỳ tiện tăng bao nhiêu thì tăng.

Vụ việc ở KCN Tân Đức diễn ra trùng với thời điểm một số DN của JETRO tại TP.HCM phản ánh về sự chậm chạp, thiếu minh bạch trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá thực phẩm trong buổi đối thoại mới đây với các bộ, ngành. Trong đó, các vướng mắc về thủ tục nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật; thủ tục đăng ký khai báo sản phẩm; giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm đối với thực phẩm chế biến… là những vấn đề khiến DN bức xúc nhất.

Các DN Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện. Dù Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, song trên thực tế, các DN Nhật Bản chưa cảm nhận được điều này”
Đơn cử như vấn đề minh bạch trong xin phép trực tuyến từ phía Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Luật sư Nakagawa Motohisa, đại diện pháp lý cho một số DN Nhật cho biết, trong cuộc họp hồi năm ngoái các DN Nhật đã đề xuất về vấn đề này, nhưng kết quả điều tra gần đây của JETRO với các DN Nhật thì sau cuộc họp tình hình vẫn chưa được cải thiện, việc vận hành vẫn như cũ, không tuân theo quy định của pháp luật về mức phí và thời gian thẩm tra.

Ngay như việc thiết lập Đường dây nóng gọi đến Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm để phản ánh các hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước, phía DN Nhật cũng bày tỏ lo lắng sẽ gặp những vấn đề rắc rối nếu thông báo đến Đường dây nóng.

Hay như thủ tục nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT. Theo phản ánh, để thực phẩm đến tay nhà nhập khẩu sẽ mất khoảng 2 tuần sau khi đã được vận chuyển tới Việt Nam; thời gian này so với thủ tục của Nhật và các nước khác là khá dài. Điều này làm giá bán thực phẩm Nhật tăng cao do chi phí bảo quản, thiếu an toàn thực phẩm.         

Bao giờ cải thiện?

Buổi đối thoại với các cơ quan quản lý trên thực tế “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng” khi những băn khoăn của giới đầu tư Nhật hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Đa số cơ quan quản lý nhất quyết cho rằng, phần lớn các vướng mắc đã được cải thiện tốt, đã minh bạch, không có tiêu cực gì. Trong khi đó, nhiều DN Nhật bày tỏ tâm lý lo lắng nếu không chi trả thêm tiêu cực phí, thuê dịch vụ từ công ty trung gian sẽ bị phân biệt đối xử như yêu cầu bổ sung giấy tờ không cần thiết, giải trình hồ sơ làm kéo dài thời gian.

Các DN Nhật cho biết, họ chưa hài lòng với cách làm việc của nhiều đơn vị quản lý. Thực chất, có những nơi làm không đúng quy định, thiếu trách nhiệm, nhưng vì sợ thiếu minh bạch, bị trù dập nên DN ngại phản ánh.

Về vấn đề này, trước đó, trong báo cáo hồi tháng 2/2016, JETRO nhận định: “Các DN Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện. Dù Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, song trên thực tế, các DN Nhật Bản chưa cảm nhận được điều này”.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng cơ quan đại diện JETRO tại TP.HCM chia sẻ, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, điều các DN Nhật Bản quan tâm nhiều nhất chính là tính minh bạch. Khi TPP có hiệu lực, với việc gia tăng hàng hoá xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản, cần cải tiến thủ tục nhanh hơn để phát huy sự đóng góp của giới đầu tư Nhật.

Ông Yasuzumi Hirotaka nhấn mạnh, để minh bạch hơn thì khoảng cách giữa việc thực thi của cơ quan quản lý và DN cần rút ngắn lại. Điều rất cần ở các cơ quan quản lý chính là sự cải tiến, khai thông thể chế nhằm tạo dựng niềm tin cho giới đầu tư Nhật tiếp tục hứng khởi rót vốn vào Việt Nam.