Những quy định, chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020

0:00 / 0:00
0:00
Từ tháng 6, những chính sách đáng chú ý như tự ý cho thuê xe công bị phạt đến 20 triệu đồng; Người dưới 18 tuổi mới ra tù được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm… sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo Thông tư mới, việc tự ý cho thuê ôtô công có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Ảnh minh hoạ
Theo Thông tư mới, việc tự ý cho thuê ôtô công có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Ảnh minh hoạ

Tự ý cho thuê ôtô công, phạt đến 20 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29 nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.

Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ôtô công sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế thi hành án thương mại

Theo Nghị định 44/2020/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 1/6/2020, các loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; Tài sản do ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức; Số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động (NLĐ);

Lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho NLĐ;

Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này nếu không phải là tài sản để kinh doanh;

Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn

Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.

Tin cùng chuyên mục