Những "tay chơi" mới trên thị trường ví điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ tháng 6/2021 đến nay đã có thêm 5 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng, gồm: Công ty TNHH Galaxy Pay, Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Cititek, Công ty CP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu, Công ty CP Tập đoàn Công nghệ HTP, Công ty CP Thanh toán NEO (NEO Pay).
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Galaxy Pay được được giới thiệu là công ty thành viên của Tập đoàn SOVICO - tập đoàn thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, năng lượng, bất động sản và hàng không. Công ty được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào ngày 16/8/2021.

Trong tháng 11/2021, 2 doanh nghiệp được NHNN cấp phép là Cititek và Công ty CP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Cititek được thành lập tháng 5/2019 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và hiện được điều hành bởi Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Bảo Lâm - cổ đông lớn nhất nắm giữ 41% cổ phần. Ngoài ra, các cổ đông khác của Công ty còn có: Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Ecotek (nắm giữ 15% cổ phần), Lương Tuấn Trung (34%), Lương Thị Hồng Hạnh (3,33%) và 2 cổ đông cá nhân khác. Trong đó, Ecotek là công ty con thuộc Tập đoàn Ecopark.

Về phía Công ty CP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2017, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Vị trí Tổng giám đốc do cá nhân Nguyễn Thanh Dương đảm nhiệm. Còn Người đại diện theo pháp luật của Công ty do bà Tạ Thiên Thanh (vợ ông Dương) đảm nhiệm.

Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Tập đoàn Công nghệ HTP và NEO Pay đều được cấp phép trong năm 2022.

Trong đó, NEO Pay thành lập tháng 4/2017, có trụ sở tại Tòa nhà VTP Building (số 8, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM) trước khi chuyển về Tòa nhà Pearl Plaza (số 561A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Theo Website chính thức của Công ty, Chủ tịch là ông Tony Trương, Giám đốc là bà Nguyễn Thị Huỳnh Linh.

Công ty CP Tập đoàn Công nghệ HTP được thành lập tháng 1/2019 với tên ban đầu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Ngân Gia Phát và hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Website chính thức của doanh nghiệp không cung cấp nhiều thông tin về hoạt động của Công ty.

Sự tham gia của 5 doanh nghiệp trên đã nâng tổng số tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động lên con số 48 đơn vị.

Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh mẽ của giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đến từ thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi mà giải pháp thanh toán không tiền mặt được khuyến khích trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhằm hạn chế tiếp xúc.

Tin cùng chuyên mục