Niềm tin kinh doanh phục hồi mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 9 tháng đầu năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có hơn 183.000 doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường. Các dự báo cho thấy, với triển vọng kinh doanh tích cực cùng sự vào cuộc quyết liệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN của cả hệ thống chính trị, nhiều khả năng số DN thành lập mới sẽ thiết lập kỷ lục trong năm 2024.
 9 tháng đầu năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
9 tháng đầu năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2024

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số DN thành lập mới 9 tháng đầu năm là 121.898 DN, tăng 3,42% cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1,158 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023 và số lao động đăng ký của DN thành lập mới là 735.097 lao động.

Với triển vọng kinh doanh tích cực đang mở ra ở nhiều lĩnh vực, nhất là ở những ngành kinh tế mới, số DN đăng ký thành lập mới năm nay có thể cao hơn con số 159.000 DN của năm 2023 với dự kiến là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục mới. Nếu không tính ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào giai đoạn 2020 - 2021 thì số DN thành lập mới luôn tăng từ năm 2015 đến nay. Cùng với DN thành lập mới, 9 tháng đầu năm nay, có 61.103 DN tái gia nhập thị trường. Trung bình mỗi tháng có 6.789 DN quay trở lại hoạt động.

“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các chính sách của Chính phủ cùng sự chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các lĩnh vực cũng như chính sách hỗ trợ DN dần phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện đã củng cố niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng DN”, đại diện Cục Quản lý kinh doanh nhìn nhận.

Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/10 cho thấy, trong khoảng 1.400 DN được EuroCham khảo sát, gần một nửa số DN tin tưởng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới. Báo cáo nhấn mạnh, Chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý III/2023 lên 52 quý III/2024, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cho rằng: “Kết quả này không chỉ là những con số, chúng tô điểm một bức tranh toàn cảnh nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược”.

Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, phần lớn DN lạc quan về xu hướng kinh doanh những tháng cuối năm. Trong đó, khối FDI lạc quan nhất với gần 85% DN dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2024 sẽ tốt hơn và ổn định so với quý III.

Mở rộng không gian phát triển

Bên cạnh điểm sáng về tình hình gia nhập và tái gia nhập thị trường, 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận hơn 163.760 DN rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có khoảng 18.000 DN rút lui khỏi thị trường. Số liệu này cho thấy, còn nhiều khó khăn, thách thức cản bước DN.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ KH&ĐT chỉ ra rằng, đó là do phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; một số DN còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Đề cập về vấn đề này, BCI của Eurocham cũng chỉ ra những trở ngại trong hoạt động của các DN châu Âu tại Việt Nam là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép, thiếu nhân sự chất lượng cao.

Trong khi đó, các dự báo cho thấy, cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để tiến lên những nấc thang phát triển mới. Theo đó, DN có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam dần trở thành một mắt xích quan trọng, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho DN...

Ở trong nước, Việt Nam có nhiều lợi thế nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN, giảm gánh nặng thủ tục hành chính…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển nhanh và bền vững, hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo để tạo ra cơ hội phát triển đột phá... Một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 có 1,5 triệu DN, năm 2030 có 2 triệu DN tăng trưởng chất lượng, góp sức cho tăng trưởng đất nước.

Tin cùng chuyên mục