Nợ xấu ngân hàng dần bộc lộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống đang tăng khá mạnh. Một số ý kiến lo ngại nỗ lực giảm nợ xấu đang và sẽ gặp nhiều thách thức do các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với môi trường kinh doanh bất lợi, nhiều rủi ro đến từ biến động địa chính trị thế giới.
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể cao hơn đáng kể mức công bố, do hiện nay nhiều doanh nghiệp được gia hạn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN Ảnh minh họa: Tiên Giang
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể cao hơn đáng kể mức công bố, do hiện nay nhiều doanh nghiệp được gia hạn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN Ảnh minh họa: Tiên Giang

Ngân hàng Bắc Á vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 444 tỷ đồng, nợ xấu đến cuối tháng 9/2023 là 762 tỷ đồng, tăng 83 tỷ đồng so với cuối quý II/2023. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng từ 0,55% đầu năm 2022, lên mức 0,7% vào cuối quý II/2023 và 0,77% cuối quý III/2023.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cho biết, cuối tháng 9, Ngân hàng có 306 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% đầu năm lên mức 2,23%. Thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận, tại ngày 30/9/2023, Saigonbank có nợ gốc của khoản nợ đã xử lý rủi ro đang trong thời gian theo dõi là 1.813 tỷ đồng; nợ lãi của khoản nợ đã xử lý rủi ro đang trong thời gian theo dõi là 3.437 tỷ đồng.

Tại PG Bank, tổng nợ xấu cuối tháng 9/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III/2023.

Trên bình diện toàn ngành, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 của các tổ chức tín dụng do NHNN thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý III/2023 có biểu hiện “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2023.

Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý III/2023 và quý IV/2023, nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với quý trước. So với năm 2022, mặt bằng rủi ro được nhận định tăng đáng kể trong năm 2023, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm nhẹ trong năm 2024. Bên cạnh 63% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “bình thường” và 4,6% nhận định rủi ro ở mức “thấp”, có 32,4% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” và “khá cao”.

Tính đến nay, NHNN mới cập nhật nợ xấu đến tháng 7/2023 với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Theo NHNN, trong thời gian tới, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD có thể tiếp tục chịu áp lực từ một số yếu tố. Đó là, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Đáng chú ý, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nợ xấu tăng phản ánh thực trạng và áp lực của hệ thống ngân hàng trước các khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn đáng kể mức công bố, do hiện nay nhiều doanh nghiệp được gia hạn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Để giảm nợ xấu, động lực đáng chờ đợi nhất là việc các doanh nghiệp cải thiện dòng tiền, cải thiện hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nói chung còn nhiều thách thức, đặc biệt là tác động khó lường từ các biến động địa chính trị thế giới, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, giảm nợ xấu của hệ thống ngân hàng là câu chuyện cần nhiều thời gian và nhiều nỗ lực hơn.

Tin cùng chuyên mục