Nếu điều chỉnh ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá thì giá điện sẽ tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành, khiến giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%. Ảnh: Lê Tiên |
Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương ứng tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương ứng tăng 28,2%).
Khung giá bán lẻ điện bình quân cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng tới các nhu yếu phẩm... Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dù về lý thuyết, mức tăng giá điện được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng thực tế, họ rất ngại tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ do tăng lượng hàng tồn kho.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một cán bộ phụ trách tài chính tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, trong cơ cấu giá thành sản phẩm của ngành xi măng, chi phí điện chiếm khoảng 15 - 20%. "Việc tăng giá điện sẽ tác động rất lớn đến giá thành sản xuất. Hiện chưa có quyết định chính thức về tăng giá điện, doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng và chuẩn bị các phương án về giá bán sản phẩm", vị này cho biết và nhận định, ngành xi măng trong năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng ngành xi măng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chusan Việt Nam Lê Thanh Tuấn (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghiệp), chia sẻ, do chi phí điện chiếm từ 10 - 15% giá thành sản xuất nên giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Trước đó, giá dầu thế giới tăng cao đã khiến giá nguyên liệu đầu vào của ngành này là hạt phụ gia PP, PE… tăng mạnh.
Đối với ngành thép, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) chỉ ra, tuy cả hai loại lò BOF và EAF đều có thể sản xuất được thép dài và thép dẹt, nhưng tùy thuộc vào loại lò mà tỷ trọng của từng thành phần nguyên vật liệu đầu vào sẽ khác nhau. Nguyên liệu chính của lò BOF là quặng sắt (29%) và than cốc (25%). Còn nguyên liệu chính của lò EAF là thép phế (55,5%) và điện (26,2%), chiếm hơn 80% chi phí đầu vào. Vì vậy, biến động giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng lò EAF.
Báo cáo của FPTS cũng cho biết, trong chuỗi giá trị ngành dệt may, chi phí điện chiếm khoảng 8% cơ cấu chi phí sản xuất sợi và khoảng 14% cơ cấu chi phí sản xuất vải nhuộm. Riêng trong mảng may, theo chia sẻ từ ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, điện chỉ chiếm khoảng 1% trong chi phí ở khâu này.
Đánh giá khả năng tăng giá điện trong tương lai gần là khó tránh khỏi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc trang trải cho ngành điện các chi phí sản xuất khi than, xăng dầu, khí... tăng cao là cần thiết. Tuy nhiên, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và chi phí của doanh nghiệp, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính - cho biết, với chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng cao, cần điều chỉnh giá bán điện ở mức độ phù hợp, nếu không ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền. Nếu điều chỉnh ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá thì giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này sẽ có tác động đến các ngành như: đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%, giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%, giá thành sản xuất dệt may tăng khoảng 1,95%...
“Để giảm thiểu tác động của giá điện tới sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể chia lộ trình điều chỉnh giá điện thành 2 đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng 7 - 8%. Nếu tình hình những tháng cuối năm thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2. Chúng ta cũng có thể điều chỉnh ngay, nhưng cần có biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện”, ông Thỏa khuyến nghị.