Nới “room” huy động vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 5 năm tới theo tính toán sơ bộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là con số rất lớn so với khả năng cân đối ngân sách.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ giao thông vận tải là khoảng 358 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ giao thông vận tải là khoảng 358 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Việc mạnh dạn trong đặt mục tiêu huy động vốn tư nhân, chủ động xây dựng cơ chế hấp dẫn để thu hút được nhà đầu tư có năng lực là cần thiết và có nhiều dư địa khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ đầu năm sau.

Theo tổng hợp của Bộ GTVT, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 1 triệu tỷ đồng bao gồm khoảng 850 nghìn tỷ đồng theo đề xuất của các địa phương và 160 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ đọng, thực hiện các dự án chuyển tiếp. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, con số này là quá lớn so với khả năng cân đối của ngân sách. Sau khi rà soát, xác định các trọng tâm ưu tiên đột phá, sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT khoảng 358 nghìn tỷ đồng, trong đó cần cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) gồm 230 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 70 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài và 58 nghìn tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Bộ GTVT nhận định, nhu cầu đầu tư lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực. Khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung đầu tư các dự án động lực, đột phá sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác… Thực tế nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT cho biết, kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ đáp ứng 24% nhu cầu vốn của ngành giao thông, do vậy nhiều nhiệm vụ ưu tiên chưa thể cân đối, bố trí đủ.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nếu tăng trưởng kinh tế các năm sau tăng ổn định 7%, vốn đầu tư xã hội duy trì 33 - 34% GDP thì nguồn lực đó không đủ cung cấp cho nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng. Vì thế phải kỳ vọng vào khu vực ngoài Nhà nước. Theo ông Vịnh, trong cơ cấu vốn giai đoạn tới, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu thu hút 58 nghìn tỷ đồng vốn tư nhân là còn thấp. “Nếu đặt con số cao hơn thì làm thế nào huy động được?”, ông Nguyễn Văn Vịnh đặt vấn đề và cho rằng quan trọng nhất là cố gắng tạo ra thị trường kết cấu hạ tầng giao thông sinh lời, không sinh lời thì không nhà đầu tư, ngân hàng nào làm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đối với vấn đề nguồn lực trong 5 năm tới, do tác động của dịch Covid-19, những năm sau phải phục hồi kinh tế mà không thể tăng tốc nhanh được, thu ngân sách sẽ ảnh hưởng, nguồn lực trong nước sẽ hạn chế. Trong bối cảnh này, Bộ GTVT đặt vấn đề thu hút PPP còn khiêm tốn, 58 nghìn tỷ đồng trong 5 năm chia ra là 11,6 nghìn tỷ đồng 1 năm. Trong khi đó, 1 dự án đường bộ đã có thể thu hút 7 - 8 nghìn tỷ đồng rồi, ngoài ra còn hàng không, đường sắt… Lấy ví dụ hàng không sau này cũng nên làm PPP, không nên dựa mãi vào NSNN, ông Nguyễn Đăng Trương khuyến nghị Bộ GTVT cần rà soát thêm và có cơ chế, mạnh dạn mở room thu hút PPP, đưa ra con số cao hơn.

Luật PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh, cao nhất cho đầu tư PPP. Đây là điều kiện tốt để thúc đẩy thu hút vốn tư nhân trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để huy động được nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Đăng Trương, cần 4 điều kiện quan trọng. Đầu tiên phải có niềm tin, nếu làm PPP mà ngay từ đầu đã không tin là sẽ thu hút được nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ thất bại. Thứ hai là lựa chọn dự án tốt, hấp dẫn nhà đầu tư; thứ ba là chuẩn bị dự án tốt và thứ tư phải lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.

Bên cạnh vấn đề niềm tin của phía Nhà nước vào sự thành công của PPP, thì việc lấy lại, củng cố niềm tin để nhà đầu tư tham gia dự án PPP thời gian tới cũng rất quan trọng. Theo Bộ GTVT, hiện nay đối với các dự án BOT đường bộ còn 2 tồn tại. Một số dự án phải dừng thực hiện đầu tư theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH do đó phải thanh toán kinh phí nhà đầu tư đã thực hiện. Một số dự án đã được thanh tra, kiểm toán đánh giá cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng đến nay không có khả năng tổ chức thu phí do các địa phương không đồng ý đặt trạm thu phí tại các vị trí đã cam kết.

Nhiều ý kiến cho rằng việc làm thực tế nhất để chứng minh cam kết của Nhà nước, để lấy lại niềm tin của tư nhân là giải quyết hợp lý, hài hòa với những vấn đề của các dự án BOT đã ký hợp đồng. Ông Nguyễn Đăng Trương chia sẻ, Luật PPP được Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư lớn đánh giá rất cao, các nhà đầu tư khẳng định với Luật này hoàn toàn dám bỏ tiền ra đầu tư PPP. Nhưng để tạo niềm tin cho giai đoạn sau thì phải giải quyết thấu đáo các vấn đề của giai đoạn trước, trong đó xử lý dứt điểm các dự án không tổ chức cho nhà đầu tư thu phí được.

Tin cùng chuyên mục