Cùng liên quan sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và 10-11 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt, VKS đề nghị tòa sơ thẩm phạt bị cáo 21-23 năm tù.
Bị cáo buộc đồng phạm với ông Thăng, bị cáo Vũ Thanh Hà bị đề nghị 7-8 năm tù, Trần Thị Bình 2-3 năm tù, Phạm Xuân Diệu 5-6 năm tù, Nguyễn Ngọc Dũng 4-5 năm tù, Đỗ Văn Quang 3-4 năm tù, Nguyễn Xuân Thủy 3-4 năm tù, Khương Anh Tuấn 30-36 tháng tù, Lê Thanh Thái 30-36 tháng tù, Hoàng Đình Tâm 30-36 tháng tù.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị đề nghị 6-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Đinh La Thăng giữ vai trò chính
Theo bản luận tội của VKSND TP Hà Nội, ông Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nhưng vẫn đề ra chủ trương chỉ định thầu cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.
Sai phạm của ông Thăng thể hiện qua những bút phê chỉ đạo cấp dưới và chủ trì các cuộc họp để kết luận, chỉ đạo quyết liệt Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học (PVB) và PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho liên danh trái quy định. Hậu quả khiến dự án phải dừng thi công vào tháng 7/2013 khi chưa hạng mục nào hoàn thành.
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù. Ảnh: TTXVN |
Bản luận tội quy kết ông Đinh La Thăng có vai trò chính khi vừa là người đề ra chủ trương đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Vì vậy, VKS đề nghị cần có mức hình phạt nghiêm, tương xứng với những gì ông Thăng gây ra.
Còn Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ khi chỉ đạo thuộc cấp cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ trái quy định. Mục đích của Trịnh Xuân Thanh là muốn mua khu đất rộng hơn 3.400 m2 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng. Riêng bị cáo hưởng lợi 3 tỷ.
Đối với dự án nhà máy Ethanol, ông Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thiếu năng lực nhưng vẫn làm theo chủ trương và chỉ đạo của Đinh La Thăng, ký văn bản xin được chỉ định thầu.
Ngoài ra, VKS còn cáo buộc cựu Chủ tịch PVC ký công văn gửi ông Đinh La Thăng, cam kết thực hiện gói thầu và để liên danh được thực hiện thầu dù điều này trái quy định của pháp luật.
“Trịnh Xuân Thanh có vai trò đồng phạm, tích cực thực hiện tội phạm trong đó, một phần sai phạm lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên”, kiểm sát viên luận tội.
Đối với 10 bị cáo còn lại, VKS đánh giá họ có vai trò đồng phạm, tích cực thực hiện những chỉ đạo trái quy định của cấp trên, tạo điều kiện cho liên danh nhà thầu của PVC được chỉ định triển khai dự án Ethanol.
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN |
Trịnh Xuân Thanh phủ nhận trách nhiệm
Trước đó, khi trả lời xét hỏi, ông Đinh La Thăng nhiều lần phản bác quan điểm truy tố của đại diện VKSND về việc bị cáo đã định hướng các đơn vị trực thuộc giao thầu cho PVC thực hiện dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
“Đây là cuộc họp nội bộ của PVN, không có từ chỉ định thầu nào trong đó”, ông Thăng phản bác.
Theo lời khai của ông Thăng, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Dầu khí được chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên khi thực hiện các dự án đặc thù của ngành dầu khí. Quá trình thực hiện, PVN có chủ trương chung là ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành dầu khí nhưng phải tuân thủ pháp luật.
Ông Thăng cho rằng ông chỉ đôn đốc tiến độ, không làm thay việc của chủ đầu tư PVB trong việc chỉ định thầu.
Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc phạm 2 tội danh trong vụ án. Ảnh: TTXVN |
Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai trước khi vụ án xảy ra, PVC chưa từng tham gia dự án liên quan nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, khi được chọn thực hiện gói thầu, PVC đã triển khai nhiều dự án của ngành dầu khí như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy khí điện Nhơn Trạch, nhiệt điệt Vũng Áng và một số dự án với liên danh với nhà thầu nước ngoài.
“Chúng tôi khẳng định làm được dự án Ethanol Phú Thọ nên PVN và PVB đã chọn PVC”, bị cáo Thanh nói và cho biết thời điểm đó còn có chủ trương phát huy nội lực nên PVC tham gia dự án Ethanol Phú Thọ.
Khi PVB thông báo mời thầu, HĐQT PVC đã đề nghị làm văn bản xin tham gia dự án này với tư cách liên danh cùng Alfa Laval và Delta-T (2 nhà thầu từng tham gia dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất).
Sau khi trúng thầu, PVC có công văn gửi tập đoàn để kiến nghị phê duyệt giá trị gói thầu ở khoảng 85-90 triệu USD. Tuy nhiên, theo Trịnh Xuân Thanh, lãnh đạo tập đoàn yêu cầu phải thực hiện ở mức giá 59 triệu USD.
“Theo tôi được biết, dự án Ethanol ở Dung Quất có công suất, kỹ thuật giống với Ethanol Phú Thọ và được quyết toán với giá trên 100 triệu USD”, Trịnh Xuân Thanh khai và cho rằng dự án ở Phú Thọ gặp vấn đề do thiếu kinh phí.
“Chúng tôi chỉ là nhà thầu đi làm thuê, sao bắt phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại 543 tỷ đồng”, Trịnh Xuân Thanh phân bua và cho rằng phía chủ đầu tư là bên vay tiền của ngân hàng nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thuộc về nhà thầu.