Ông lớn công nghệ trong cuộc chơi chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được công bố vào đầu tháng 6/2020, trong đó có mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đón bắt cơ hội, hai, ba năm trước đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số với tham vọng phát triển lớn mạnh và vươn mình ra biển lớn.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bước vào cuộc đua chuyển đổi số để tăng cường năng lực và hiện thực hóa tham vọng ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bước vào cuộc đua chuyển đổi số để tăng cường năng lực và hiện thực hóa tham vọng ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới

Chạy đua chuyển đổi số

Cuối năm 2018, Tập đoàn FPT thành lập Ban Chuyển đổi số FPT nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và cung cấp năng lực tư vấn số (khách hàng là doanh nghiệp trong nước và quốc tế). Đồng thời, Tập đoàn cũng cho ra mắt Học viện số FPT để xây dựng mạng lưới nhân tài công nghệ Việt với mục tiêu đón làn sóng chuyển đổi số.

Thậm chí, trước thời điểm thành lập Ban Chuyển đổi số FPT, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhiều lần chia sẻ, chuyển đổi số đã là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.

Kế hoạch chuyển đổi số của FPT được bắt đầu từ chính nội tại của Tập đoàn và các công ty thành viên. Theo đó, FPT đi sâu tìm hiểu vấn đề nội tại ở tất cả các cấp, tăng cường sử dụng giải pháp số, công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa (Automation)… để giải quyết các vấn đề này một cách đột phá. Từ trải nghiệm của doanh nghiệp mình, một, hai năm trở lại đây, FPT tích cực tham gia vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cung cấp các giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giao thông, giáo dục, điện lực…

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số. Năm 2017, ban lãnh đạo VNPT đặt ra định hướng “trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam”. Trên trục lõi nhà cung cấp dịch vụ số này, hàng loạt các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số của VNPT ra đời và cung cấp cho nhiều lớp khách hàng, trong đó có doanh nghiệp, các tổ chức và Chính phủ.

Đơn cử như cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia. Chỉ sau hơn 4 tháng, Trục hoàn thành đi vào hoạt động, đến nay đã có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.

Sau thành công này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia. Ra mắt cuối năm 2019, chỉ sau 8 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã phát triển nhanh chóng từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu lên 1.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, ước tính tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội hơn 6.700 tỷ đồng mỗi năm.

Đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm đặt ra định hướng nhà cung cấp dịch vụ số, VNPT đang trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ngoài FPT, VNPT, còn phải kể đến hàng loạt doanh nghiệp công nghệ khác cũng đang tăng tốc cho cuộc đua chuyển đổi số như Viettel, Vingroup, MobiFone, CMC… Đáng chú ý, hai tập đoàn lớn Viettel và Vingroup đang cùng đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển các xu hướng công nghệ mới, AI, Big Data, Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…

Và kỳ vọng đi ra quốc tế

Công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nên đa phần các doanh nghiệp trên thế giới hiểu được rằng cần phải chuyển đổi số. Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như Big Data, IoT, AI, điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Quá trình chuyển đổi số này sẽ mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một ví dụ như việc MobiFone áp dụng hệ thống ERP - hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ, kịp thời thông tin về các nguồn tài nguyên của mình, từ đó nâng cao năng lực quản trị, tăng cường khả năng điều hành, chỉ đạo, đảm bảo sản xuất kinh doanh. ERP đồng thời là cổng tổng hợp thông tin, kết hợp các dữ liệu bán hàng, tài chính, kế hoạch và các dữ liệu khác, phục vụ công tác điều hành, quản trị. “Hệ thống ERP sẽ là nền tảng giúp MobiFone chuyển mình mạnh mẽ trong mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái số hoàn thiện, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho MobiFone trong tương lai”, Phó Tổng giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam nói.

Chiến lược chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau, mà còn được xem là nền tảng, bệ đỡ để doanh nghiệp Việt tiến ra toàn cầu. Điển hình như Viettel, tập đoàn viễn thông, công nghệ lớn nhất Việt Nam, sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi số, cũng tạo ra những sản phẩm công nghệ thông tin được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, thanh toán điện tử... Viettel vừa thắng lớn tại Giải thưởng Công nghệ thông tin Thế giới 2020 (IT World Awards) khi 100% các sản phẩm/dịch vụ dự thi của Tập đoàn đều đạt giải thưởng. Tại cuộc thi năm nay, Viettel còn được vinh danh trong top những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm đoạt giải nhất.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết, Tập đoàn đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái các giải pháp số (VNPT digital ecosystem) nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu số hàng ngày của đời sống kinh tế - xã hội: từ giải trí đến tài chính, học tập, chăm sóc sức khoẻ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới gồm AI, Blockchain, IoT, an ninh mạng (Cyber Security)... tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tiên phong trong công cuộc dẫn dắt chuyển đổi số. “Với định hướng chuyển đổi số trên, VNPT hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam và trở thành Trung tâm Dịch vụ số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030”, ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, với chiến lược chuyển đổi số của mình, FPT đặt mục tiêu trở thành tập đoàn có năng lực và giải pháp chuyển đổi số tổng thể, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. FPT đặt mục tiêu năm 2021 đạt 1 tỷ USD doanh thu từ khối công nghệ, chiếm khoảng 60% doanh thu của Tập đoàn. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ. “Chúng tôi muốn đưa FPT trở thành 1 trong 50 công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm nữa”, ông Trương Gia Bình nói về tham vọng của FPT với hành trình chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục