Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để gỡ “điểm nghẽn” đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Luật Đầu tư công 2019, thủ tục đầu tư công đã phân cấp phân quyền rất mạnh mẽ cho bộ, ngành, địa phương từ lựa chọn, lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Tuy nhiên, còn một số thủ tục từ thực tiễn triển khai Luật cho thấy có thể tiếp tục phân cấp, phân quyền triệt để hơn nữa để phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công…
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án vào khai thác, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án vào khai thác, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Luật Đầu tư công năm 2019 đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Luật quy định nhiều nội dung mới mang tính cải cách, đột phá trong quan điểm, tư tưởng quản lý đầu tư công, trong đó quan trọng nhất là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi phương thức quản lý đầu tư công từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cấp, các ngành có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, thủ tục đầu tư công đến nay đã giao quyền cho bộ, ngành, địa phương từ lựa chọn, lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Bộ KH&ĐT và cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp, giám sát. Vốn kế hoạch được giao số tổng về cho địa phương, sau đó địa phương phân chia chi tiết cho từng dự án. Quan điểm của Chính phủ là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, cơ chế... còn địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ KH&ĐT chỉ ra, vẫn còn một số trình tự, thủ tục phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH). KHĐTCTH (bao gồm cả việc bổ sung danh mục mới so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để ban hành KHĐTCTH) chủ yếu được điều chỉnh thông qua các nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, cần báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giữa 2 kỳ họp Quốc hội để xem xét, cho ý kiến trước khi giao cho Thủ tướng điều chỉnh. Thủ tướng chỉ quyết định trong trường hợp điều chỉnh KHĐTCTH trong nội bộ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nếu không làm thay đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực trong nội bộ bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Bộ KH&ĐT nhận định, quy định này dẫn đến phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục, làm giảm bớt tính chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng trong việc điều hành KHĐTCTH. Bên cạnh đó, có thể phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp, các ngành trong triển khai, bảo đảm nguyên tắc cấp nào quản lý dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện…

Từ thực tiễn triển khai Luật Đầu tư công 2019, nhiều địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định về phân cấp, phân quyền.

Việc phân quyền mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Việc phân quyền mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Theo UBND tỉnh Thái Bình, căn cứ Luật Đầu tư công, dự án thuộc quản lý của cấp nào thì HĐND cấp đó phê duyệt chủ trương đầu tư, quản lý dự án. Trong khi đó, việc rà soát, tổng hợp các dự án cấp huyện, cấp xã trình HĐND tỉnh rất khó khăn do mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục…, thiếu tính chủ động cho cấp huyện, xã, làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn những tháng đầu năm. UBND tỉnh Thái Bình đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép quy định HĐND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách mình quản lý.

UBND tỉnh An Giang cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, việc điều chỉnh kế hoạch vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị phải chờ đến kỳ họp HĐND là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, do không thể kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án ít hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đang cần vốn, tiến độ thi công đạt hoặc vượt so với kế hoạch. Tỉnh An Giang đề xuất sửa đổi theo hướng giao cho UBND các cấp quyết định điều chỉnh KHĐTCTH hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

UBND tỉnh Quảng Trị thì đề nghị giao HĐND cấp tỉnh điều chỉnh KHĐTCTH nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) trong trường hợp không thay đổi mức vốn kế hoạch trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Lý do là trong quá trình điều hành thực tế, địa phương có nhu cầu sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung một số dự án cấp thiết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng quy trình, thủ tục trình UBTVQH, Thủ tướng kéo dài, mất nhiều thời gian, ảnh hướng đến tiến độ dự án.

Tổng số dự án đầu tư trung hạn nguồn vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 là 4.533 dự án, trong đó số dự án khởi công mới là 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020.

KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm so với giai đoạn 2016 - 2020, cho thấy đã kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật.

Nhiều địa phương kiến nghị về cơ chế phân cấp, phân quyền trong kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quy định hiện nay HĐND cấp tỉnh quyết định kéo dài đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP) sẽ mất nhiều thời gian, thiếu tính chủ động cho cấp huyện và cấp xã, đôi khi làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn những tháng đầu năm do còn phụ thuộc vào kỳ họp của HĐND cấp tỉnh. Vì thế, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng phân cấp cho HĐND cấp huyện, cấp xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31/12 năm sau đối với nguồn vốn ngân sách cấp mình quản lý và phải bảo đảm phù hợp quy định hiện hành về các trường hợp được phép kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến sửa đổi một số quy định để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo Dự thảo, phân cấp từ UBTVQH cho Thủ tướng điều chỉnh KHĐTCTH và hàng năm vốn NSTW; phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp từ Quốc hội cho UBTVQH trong việc quyết định việc sử dụng nguồn dự phòng chung vốn NSTW, báo cáo lại Quốc hội sau khi triển khai. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn NSĐP từ HĐND cấp tỉnh cho HĐND các cấp; phân cấp cho bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn NSTW; phân cấp từ Quốc hội cho UBTVQH quyết định các khoản chưa phân bổ của KHĐTCTH và hàng năm.

Việc phân cấp sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, sớm phê duyệt, đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kịp thời đáp ứng những nhu cầu phát sinh trên thực tế.

Tin cùng chuyên mục