Trong một số trường hợp, chủ đầu tư cố tình chia nhỏ gói thầu theo kiểu “chia phần” để mỗi nhà thầu “quen biết” trúng một phần. Ảnh: Lê Tiên |
Thế nhưng, qua khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều dự án đã bị “cưa năm xẻ bảy”, chia thành nhiều gói thầu nhỏ với nhiều tình tiết lạ.
Xé lẻ dự án thành nhiều gói thầu
Mới đây, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm vừa chỉ định 3 nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Xây dựng mới các TBA quận Nam Từ Liêm giai đoạn 1 năm 2016. Tuy nhiên, đáng lưu ý là các gói thầu đều có nội dung tương tự như nhau và khoảng cách giữa các địa điểm không quá xa. Giá của mỗi gói thầu dao động trong khoảng 520 đến 767 triệu đồng.
Cụ thể, Gói thầu Hoàn trả hè đường công trình xây dựng mới các TBA khu vực Mễ Trì, Phú Đô, Xuân Phương có giá gói thầu là hơn 633,847 triệu đồng; Gói thầu Hoàn trả hè đường công trình xây dựng mới các TBA khu vực Đại Mỗ, Mỹ Đình có giá gói thầu là 528,081 triệu đồng; Gói thầu Hoàn trả hè đường công trình xây dựng mới các TBA khu vực Mễ Trì, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mỹ Đình, Cầu Diễn có giá gói thầu là 767,997 triệu đồng.
Nếu để riêng từng gói, thì giá của mỗi gói thuộc hạn mức chỉ định thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu. Nhưng giả sử gộp 3 gói thầu này làm 1 thì giá gói thầu sẽ xấp xỉ 2 tỷ đồng. Và với giá gói thầu là 2 tỷ đồng thì đương nhiên, chủ đầu tư phải thực hiện đấu thầu rộng rãi. Vậy, nhà thầu được chỉ định liệu có khả năng trúng thầu?
4 gói thầu thuộc Dự án Chỉnh trang cáp thông tin đi trên trụ điện năm 2016 do Công ty Điện lực Củ Chi là chủ đầu tư cũng được chia nhỏ với nhiều điều trùng hợp khá lạ. Cụ thể, Gói thầu số 01 Thi công xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị cho công trình chỉnh trang cáp thông tin đi trên trụ điện 07 tuyến đường xã Tân Phú Trung năm 2016 có giá gói thầu 343.791.792 đồng. Gói thầu số 02: Thi công xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị cho công trình chỉnh trang cáp thông tin đi trên trụ điện 04 tuyến đường xã Tân Thông Hội năm 2016 có giá 277.695.685 đồng. Gói thầu số 03: Thi công xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị cho công trình chỉnh trang cáp thông tin đi trên trụ điện đường Tỉnh lộ 8, Nguyễn Văn Ni, Hoàng Bá Huân năm 2016 có giá 413.160.867 đồng). Gói thầu số 04: Thi công xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị cho công trình chỉnh trang lại cáp thông tin đi trên trụ điện đường Quốc lộ 22 năm 2016 có giá 458.827.707 đồng.
Sau khi chia nhỏ 4 gói thầu với tính chất kỹ thuật, nội dung công việc khá giống nhau như trên, chủ đầu tư vẫn tổ chức đấu thầu rộng rãi với từng gói nhỏ. Như vậy, thay vì chỉ cần đấu thầu rộng rãi 1 gói thầu lớn hơn, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng, chủ đầu tư phải tiến hành 4 lần đấu thầu. Điều đặc biệt là chỉ có một nhà thầu trúng thầu cả 4 gói thầu này.
Còn đối với Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, trong số 16 gói thầu thuộc Dự án Phát triển đô thị loại vừa Việt Nam – Tiểu dự án TP. Vinh, có 3 gói thầu có nội dung khá gần nhau, đều nằm chung trên một tuyến đường Hưng Tây – Vinh. Cụ thể, Gói thầu VH 3-01 – Xây dựng tuyến đường Hưng Tây – Vinh đoạn từ Km0+00 đến Km2+800 (gồm cả cầu vượt sông Kẻ Gai) nằm trên tuyến đường Hưng Tây – Vinh; Gói thầu VH3-03 – Xây dựng tuyến đường Hưng Tây – Vinh đoạn từ Km4+620 – Km6+224,34 (bao gồm cầu vượt đường sắt); Gói thầu VH3-02 – Xây dựng đường Hưng Tây – Vinh đoạn từ Km2+800 đến Km4+620.
Muôn vàn lý do để chia nhỏ gói thầu
Khi được hỏi tại sao không gộp thành 1 gói thầu lớn hơn để tổ chức đấu thầu, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí tổ chức đấu thầu, chi phí thực hiện gói thầu và thuận lợi trong thực hiện, quản lý hợp đồng, mỗi chủ đầu tư có những lý giải khác nhau cho việc phân chia gói thầu của mình.
Đại diện cho Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, ông Trần Lê Nam - Trưởng phòng Kế hoạch và Đấu thầu cho biết: “Vì đi qua nhiều phường xã, liên quan đến nhiều huyện khác nữa, chứ không chỉ ở trong nội thành. Tách gói thầu ra là để tiện giải phóng mặt bằng và dễ thi công. Nếu để trong một gói thì rất phức tạp trong giải phóng mặt bằng”.
Ông Tân, cán bộ BQLDA của Công ty Điện lực Củ Chi thì cho rằng, việc chia gói thầu như đơn vị đã làm là để tiện cho công tác báo cáo, quyết toán!
Mỗi chủ đầu tư có những cách lý giải riêng cho việc chia tách gói thầu của mình, tiềm ẩn sau việc chia tách ấy là gì, có lẽ người trong cuộc sẽ là người hiểu thấu đáo nhất. Đôi khi, nguyên nhân chia tách gói thầu nhỏ một cách không hợp lý chỉ do năng lực của đội ngũ cán bộ. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trong rất nhiều trường hợp chủ ý vì những lợi ích nhóm.
Một nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu cho biết, nhiều chủ đầu tư chia nhỏ gói thầu ra để phù hợp với năng lực của nhà thầu ruột, nếu gói thầu lớn nhà thầu này không đáp ứng được, nhưng chia làm nhiều gói nhỏ thì sẽ phù hợp từng gói. Chung lại nhà thầu vẫn trúng cả.
Ngoài ra, theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, nhiều trường hợp chia tách gói thầu không hợp lý có thể vì một số nguyên nhân. Thứ nhất là chia nhỏ gói thầu theo kiểu “chia phần”, mỗi nhà thầu “quen biết” trúng một phần. Thứ hai là chia nhỏ 1 gói thầu thuộc hạn mức phải đấu thầu rộng rãi thành các gói thầu nhỏ thuộc hạn mức được chỉ định thầu để tiến hành chỉ định thầu, giảm cạnh tranh trong đấu thầu. Thứ ba là chia gói thầu lớn thành các gói thầu dưới 5 tỷ đồng để hướng đến các nhà thầu nhỏ, thường là các nhà thầu địa phương đã có mối quan hệ, không phải cạnh tranh với các nhà thầu lớn.
Ông Lê Văn Tăng cũng cho biết: Tất nhiên, cũng có trường hợp gói thầu quá lớn, chỉ có một hoặc hai nhà thầu hoặc chỉ có nhà thầu nước ngoài đáp ứng được thì việc chia gói thầu nhỏ hơn một cách hợp lý sẽ giúp nhiều nhà thầu có cơ hội tham gia đấu thầu, đặc biệt là nhà thầu trong nước, tăng tính cạnh tranh của gói thầu hơn.