Nhiều loại thuốc không có nhà thầu chào giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát việc tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) cung ứng thuốc gần đây cho thấy, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn trong việc mua thuốc, bởi một số mặt hàng, lô (phần) mời thầu nhưng không có nhà thầu tham dự. Để khắc phục tình trạng này, có ý kiến cho rằng, các bên cần chủ động tìm thuốc thay thế hoặc báo cáo Bộ Y tế để có phương án giải quyết sớm hơn, thay vì chờ đợi mời thầu đến 3 - 4 lần, từ năm này qua năm khác.
Một số mặt hàng thuốc generic không tìm được nhà cung cấp dù được đưa ra đấu thầu nhiều lần. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Một số mặt hàng thuốc generic không tìm được nhà cung cấp dù được đưa ra đấu thầu nhiều lần. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện tổ chức LCNT cho 4 gói thầu mua thuốc generic. Mỗi gói thầu đều có hàng chục mặt hàng không có nhà thầu tham dự. Đơn cử Gói thầu Thuốc generic (4,802 tỷ đồng) thuộc Dự toán Cung cấp thuốc bổ sung lần 1 năm 2023 mời thầu 62 lô, trong đó 39 lô không có nhà thầu tham dự; Gói thầu Thuốc generic (43,044 tỷ đồng) thuộc Dự toán Cung cấp thuốc năm 2023 có 42/143 lô không có nhà thầu tham dự; Gói số 1 Gói thầu Thuốc generic (75,574 tỷ đồng) thuộc Dự toán Cung cấp thuốc bằng nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác năm 2024 - 2025 có 28/146 lô không có nhà thầu tham dự.

Cũng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Gói thầu Thuốc generic (201,592 tỷ đồng, thuộc Dự toán Cung cấp thuốc năm 2024 - 2025 của nhà thuốc Bệnh viện) đang được đánh giá HSDT (đóng thầu ngày 20/1/2025), nhưng một số lô thuốc không có nhà thầu tham dự.

Đáng chú ý, một số mặt hàng đã được mời thầu 3 đến 4 lần nhưng không mua được. Đơn cử lô thuốc Timolol có giá kế hoạch 42,2 triệu đồng được mời thầu tới 3 lần; lô thuốc Terbinafin (hydroclorid) có giá kế hoạch 13,86 triệu đồng được mời thầu vào cuối tháng 12/2022 và đầu năm 2023 nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Tình trạng không có nhà thầu chào giá cũng lặp lại với lô thuốc này tại các gói thầu mua sắm trong các năm 2023, 2024 và cả gói thầu vừa được đóng thầu ngày 20/1/2025 nêu trên.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với thuốc Clobetasol propionat. Lô thuốc Clobetasol propionat được mời thầu tại Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc bổ sung lần 1 năm 2023 nhưng không nhà thầu nào chào giá. Sau đó, Bệnh viện liên tục mời thầu đi mời thầu lại trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 nhưng không thu hút được nhà thầu.

Không chỉ Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhiều đơn vị khác cũng gặp khó khăn vì một số mặt hàng thuốc được tổ chức LCNT nhiều lần nhưng không tìm được nhà cung cấp.

Tại TP. Cần Thơ, nhiều gói thầu cũng có tình trạng không có nhà thầu chào giá. Gói số 1 Gói thầu Thuốc generic (123 danh mục) có giá 41,73 tỷ đồng, thuộc Dự toán mua sắm thuốc bổ sung năm 2023 có 44 lô; Gói số 1 Gói thầu Thuốc generic (936 danh mục) có giá 325,11 tỷ đồng, thuộc Dự toán Danh mục và giá dự toán mua sắm thuốc năm 2023 - 2024 của Bệnh viện là 120 lô; Gói số 1 Gói thầu Thuốc generic (173 danh mục) có giá 72,326 tỷ đồng thuộc Dự toán mua sắm: Mua sắm thuốc bổ sung năm 2024 của Bệnh viện là 37 lô; Gói số 1 Gói thầu Thuốc generic (51 danh mục) có giá 18,886 tỷ đồng, thuộc Dự toán Mua sắm thuốc bổ sung cho nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2024 - 2025 (lần 1) là 4 lô…

Tại Nghệ An, hàng loạt bệnh viện tuyến huyện phải đối mặt với tình trạng ế thầu của nhiều mặt hàng. Ví dụ, Gói thầu số 1 Gói thầu Thuốc generic năm 2025 - 2027 (hơn 60,144 tỷ đồng) do Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ mời thầu có 36/243 lô thuốc không có nhà thầu tham dự. Gói thầu Cung ứng các mặt hàng thuốc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành năm 2025 - 2026 có 93/529 lô thuốc không có nhà thầu tham dự…

Ở TP.HCM, kết quả LCNT Gói thầu Mua sắm thuốc generic và thuốc hiếm năm 2025 - 2026 của Viện Tim cho thấy, có 28 mặt hàng không có nhà thầu tham dự. Gói thầu Thuốc generic do Bệnh viện Quân y 121 Cục Hậu cần Quân khu 9 mời thầu có 1.589 lô thì 256 lô không có nhà thầu chào giá.

Kết quả mua sắm ở một số bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… cũng cùng cảnh ngộ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Gói thầu Cung cấp thuốc generic bổ sung cho điều trị nội trú và ngoại trú có bảo hiểm y tế của Bệnh viện Bạch Mai năm 2024 (193,245 tỷ đồng) có 153 lô thuốc thì có 57 lô thiếu vắng nhà thầu tham gia. Gói thầu Cung cấp thuốc generic năm 2023 cho Bệnh viện Bạch Mai, (1.208,967 tỷ đồng) có 1.003 lô thuốc thì 193 lô không có nhà thầu chào giá.

Tin cùng chuyên mục