Tạo đột phá trong lập quy hoạch

(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch mới đây đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến công luận. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng đầu tiên cho việc thi hành Luật Quy hoạch - bộ luật được kỳ vọng sẽ giữ vai trò chỉ đường, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

Sử dụng phương pháp tích hợp trong lập quy hoạch

Đúng như dự đoán, một trong những nội dung được quan tâm nhất tại Dự thảo Nghị định là những hướng dẫn về việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác theo phương pháp tích hợp - một điểm dù được coi là đột phá trong công tác lập quy hoạch nhưng trước đó khi đưa ra nghị trường Quốc hội, đã đón nhận không ít ý kiến khác nhau.

Thực tế, tích hợp để tạo sự thống nhất, tránh xung đột, mâu thuẫn và phát huy được tối đa lợi thế của các ngành, địa phương trong công tác lập quy hoạch đã được nhiều quốc gia áp dụng và trở thành xu thế. Tuy nhiên, với Việt Nam, do đây là lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra nên còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, vì đây là lần đầu tiên tổ chức lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp nên chắc chắn sẽ có nhiều thách thức trong quá trình triển khai thực hiện.

Là nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và được nhận định là vấn đề mới, khó, cần hướng dẫn chi tiết nên Dự thảo Nghị định đã thiết kế riêng một chương (Chương III) quy định rõ các nội dung liên quan đến vấn đề này. Trong đó, từ Điều 39 đến Điều 43, phương pháp tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tổng thể quốc gia; rồi tích hợp quy hoạch vào quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều được hướng dẫn rất chi tiết.

Có thể nói, với những bước đi cụ thể được nêu ra trong cách lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, quan ngại về việc lập quy hoạch tích hợp có thể là kết quả của phép cộng dồn các quy hoạch hiện nay dường như đã được loại bỏ. Bởi cơ quan lập quy hoạch sẽ phải rà soát các hợp phần quy hoạch, phát hiện các điểm còn mâu thuẫn, xung đột, các quy hoạch chồng chéo, để từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung các hợp phần quy hoạch này, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch được lập với các quy hoạch khác.

Kỳ vọng cắt giảm gần 8.000 quy hoạch

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 19.000 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm và xây dựng. Những bất cập, yếu kém của hệ thống quy hoạch hiện nay đang tạo ra những đồ án quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau, thậm chí quy hoạch chống quy hoạch.
Bên cạnh những hướng dẫn về phương pháp tích hợp trong lập quy hoạch, nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia và nội dung các quy hoạch khác cũng được nêu chi tiết tại Chương III của Dự thảo Nghị định. Đây được xem là những nội dung quan trọng góp phần khắc phục tình trạng ngành ngành quy hoạch, tỉnh tỉnh quy hoạch nhưng không có sự liên kết như hiện nay.

Trong đó, nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng phát triển quốc gia; phân tích, đánh giá các điều kiện, yếu tố phát triển; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; dự báo xu thế và các kịch bản phát triển; xác định danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện trên cơ sở cân đối khả năng huy động nguồn lực… Những nhiệm vụ này, theo cơ quan soạn thảo, nếu được thực hiện kỹ lưỡng, khoa học và hiệu quả, sẽ không còn tình trạng địa phương nào cũng muốn xây dựng sân bay, cảng biển như những năm qua.

Hiện tại, công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đang được Bộ KH&ĐT triển khai rất gấp rút, khởi động với Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Việc triển khai Luật Quy hoạch cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn được kỳ vọng sẽ giúp giảm từ hơn 19.200 quy hoạch cho giai đoạn 2011 - 2020 ở tất cả các cấp hiện nay xuống chỉ còn 11.400 quy hoạch (giảm gần 8.000 quy hoạch). Trong đó, việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đúng nội dung, khoa học được coi là giải pháp mang tính tất yếu, cần sớm được thực hiện.

Thành luỹ cuối cùng của cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã được phá bỏ khi Luật Quy hoạch được thông qua. Quy hoạch nuôi cá, nuôi tôm, trồng cà phê, hay bán buôn, bán lẻ sản phẩm bia, rượu, thuốc lá… vốn tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế sẽ không còn tồn tại. Tuy nhiên, để công tác quy hoạch thực sự có đột phá, các nguồn lực xã hội được phân bổ và sử dụng hiệu quả, đã đến lúc phải tính đến việc tổ chức lập quy hoạch một cách chính xác, hiệu quả và khả thi theo phương pháp tích hợp.

Tin cùng chuyên mục