Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Khác biệt ở xếp hạng tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song đến nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lĩnh vực này. Bộ Tài chính cho biết đã nhận được đề nghị quan tâm của một số tổ chức quốc tế và sẽ xem xét, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quý I/2021, doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê
Trong quý I/2021, doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê

Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng trái phiếu phát hành ra công chúng ghi nhận sự tăng trưởng tới 60%, đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về khối lượng phát hành, chiếm 40% thị trường, dù đã giảm 60% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 8% tổng lượng phát hành trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 27% của cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, sự sụt giảm của lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I/2021 không xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu vốn giảm, mà các doanh nghiệp chỉ đang dừng lại để điều chỉnh cách huy động cho phù hợp với chính sách mới.

Trước đây, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn thông qua phát hành riêng lẻ. Nhưng với quy định mới về chào bán trái phiếu tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải tính toán lại để phát hành ra công chúng nhằm tiếp cận phạm vi nhà đầu tư lớn hơn.

Đánh giá về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển khá nhanh trong những năm qua, nhưng hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện và còn thiếu một số yếu tố quan trọng là tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đủ uy tín cung cấp dịch vụ.

“Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm rủi ro và tạo tính bền vững cho thị trường. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, rà soát, hoàn thiện các quy định về đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần khuyến khích phát triển những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, tin cậy”, ông Tú Anh chia sẻ.

Từ phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện còn rất hạn chế. Nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, là điều kiện tiền đề cho việc hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bộ Tài chính xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp.

Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Cụ thể, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định các trường hợp doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện. Quy định này sẽ tạo nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.

“Việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo hướng phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng và trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng, qua đó khuyến khích các tổ chức tài chính nêu trên ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt”, ông Dương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục