Phát hiện 24 vụ vi phạm xuất xứ, thu hơn 33 tỷ đồng vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng cục Hải quan cho biết, toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.
Toàn bộ linh kiện của một chiếc xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, DN chỉ đưa về Việt Nam để lắp ráp và đội lốt hàng Made in Việt Nam  Ảnh: Tổng cục Hải quan
Toàn bộ linh kiện của một chiếc xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, DN chỉ đưa về Việt Nam để lắp ráp và đội lốt hàng Made in Việt Nam Ảnh: Tổng cục Hải quan

Cơ quan hải quan cũng đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm, đã thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Đáng chú ý, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, qua điều tra, đã phát hiện một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP.HCM cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả cho khoảng 30 doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Doanh nghiệp cấp C/O giả này tự xưng là hội viên của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng giá trị hàng hóa đã được doanh nghiệp vi phạm cấp C/O giả lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành, chỉ có VCCI và Bộ Công Thương có chức năng cấp C/O cho hàng xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu, ông Trần Mạnh Cường, phó cục trưởng Cục Điều tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, qua kết quả kiểm tra, xác minh, ngành hải quan thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn.

Nhiều doanh nghiệp giai đoạn đầu chưa hoàn thành đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Điều tra sau thông quan khẳng định “không vi phạm về xuất xứ”.

Ông Lộc cho biết, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, từ năm 2017, tập đoàn thép của Mỹ đã đề nghị Việt Nam phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra vụ việc gian lận xuất xứ của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp để điều tra, xác minh, làm rõ. Đến nay, cơ quan hải quan đã kết thúc điều tra, theo đó khẳng định không đủ căn cứ kết luận vi phạm về xuất xứ hàng hoá đối với lô hàng nguyên liệu nhôm nêu trên.

Cụ thể, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, trong đó có nhôm thành phẩm, nhôm định hình về Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu. Các nguyên liệu nhôm này chưa đáp ứng về điều kiện kỹ thuật, chất lượng, hình dáng, yếu tố định hình nên Doanh nghiệp đã thực hiện việc sản xuất lại.

Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan lý giải, thành phẩm của công đoạn sản xuất này lại là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác, vì thế trong quá trình chuyển đổi đó, Doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn về chuyển đổi mã số làm thay đổi bản chất hàng hóa. Do đó, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kết luận Doanh nghiệp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục