Phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp trong phòng chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch (PCD) Covid-19 đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Hướng dẫn tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây cũng là một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hết sức quan tâm hiện nay để sớm chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh.
VASI đề nghị cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, và đáp ứng yêu cầu “tối thiểu 10% người lao động có nguy cơ cao” thay vì 20%. Ảnh Lê Tiên
VASI đề nghị cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, và đáp ứng yêu cầu “tối thiểu 10% người lao động có nguy cơ cao” thay vì 20%. Ảnh Lê Tiên

Phát huy vai trò chủ động của DN

Theo Dự thảo Hướng dẫn, Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 đặt mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do Covid-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), UVBCH Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, Dự thảo chưa đặt DN ở vai trò chủ động, mà vẫn đặt trong sự sắp xếp, thiết lập các kế hoạch của các cấp hành chính. Trong khi đó, vai trò của DN trong giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng, đã được Thủ tướng ghi nhận như là 1 chủ thể của quá trình quản lý sự an toàn trong PCD và phát triển kinh tế - xã hội.

“Điều này sẽ khiến DN rất bị động và có thể làm nảy sinh nhiều quy trình thủ tục hành chính phức tạp”, bà Hương nhận định.

Để phù hợp với giai đoạn mới, VASI đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 cần đưa mục tiêu giảm số ca tử vong và ca mắc nặng thành mục tiêu hàng đầu, thay vì giảm ca mắc thuần túy. Nếu không thì các cấp chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực để phát hiện sớm, khoanh vùng, truy vết…

Đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đề nghị cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, và đáp ứng yêu cầu “tối thiểu 10% người lao động có nguy cơ cao” thay vì 20% để giảm chi phí cho DN và phù hợp tinh thần sống chung với dịch lâu dài. DN có thể tự chăm sóc F0 tại trụ sở DN hoặc các khu thu dung của DN, địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch.

Thực tế không phải cơ sở sản xuất kinh doanh nào cũng có khả năng và có cán bộ/bộ phận y tế tại chỗ, do đó nên quy định bắt buộc ở mức độ KCN, KCX, còn với DN là khuyến khích hình thành năng lực y tế để chủ động trong công tác PCD và quản trị an toàn cho người lao động.

Dự thảo cũng cần làm rõ quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ vắc xin hay các F0 đã điều trị khỏi (sau 180 ngày) (có thể kèm theo các biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ cho cộng đồng) để phát huy giá trị của chiến dịch vắc xin; tham khảo mô hình “thẻ xanh” mà các quốc gia khác đã áp dụng hoặc đánh giá, kế thừa các kinh nghiệm/cách làm tốt ngay ở trong nước. Ví dụ, cách tiếp cận của TP.HCM về thẻ xanh, thẻ vàng là phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được nhân rộng.

Cần thiết kế các quy định trên cơ sở khoa học

Theo đại diện VASI, một số quy định tại Dự thảo không phù hợp với hướng dẫn của WTO như phân tách tỷ lệ người trên 18 tuổi và trên 50 tuổi. Trong khi đó, từ trước đến nay, Bộ Y tế và WHO phân loại người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Dự thảo đánh giá bằng một độ tuổi khác mà không làm rõ căn cứ khoa học sẽ gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong người dân, đề nghị có những dẫn chứng/giải thích phù hợp đi kèm.

Mặt khác, chỉ số “100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có Oxy y tế” trong Dự thảo còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đầy đủ yêu cầu kỹ thuật trong điều trị F0.

Dự thảo vẫn đang phân theo cấp độ khu dân cư, cấp hành chính, chứ chưa quy định rõ vai trò các khu/cụm công nghiệp, KCX tương ứng với các điều kiện về oxy y tế và các thiết bị khác. Với quy định này, dù KCN, KCX hoặc trong DN có tổ y tế lưu động đáp ứng các điều kiện y tế này nhưng xã/phường mà KCN, KCX và DN đóng trụ sở lại không đáp ứng thì DN vẫn bị buộc đóng cửa, nếu vùng đó chuyển màu đỏ, cam, dẫn tới không đạt mục tiêu “sản xuất trong bối cảnh dịch vẫn tồn tại ở cộng đồng”.

“Nên chăng, cần quy định cụ thể trên số dân, mật độ dân cư, bổ sung các đầu mối KCN, KCX vào phần quy định Chỉ số 2 'các huyện, KCN, KCX có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, tại DN'. Đồng thời, các cấp chính quyền cần thiết lập mô hình phối hợp công - tư chặt chẽ để đồng bộ hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực triển khai của các bên, cũng như cơ chế, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuân thủ của DN, KCN, KCX theo Dự thảo Hướng dẫn”, bà Hương khuyến nghị.

Theo bà Hương, không nên quy định phân biệt “các dịch vụ không thiết yếu”, mà nên đưa ra những tiêu chí an toàn cụ thể về y tế để các loại dịch vụ đều có cơ hội vận hành hoạt động trong bối cảnh thích ứng an toàn. Cần thiết kế các quy định trên cơ sở khoa học, có căn cứ như dựa theo mật độ/khoảng cách để quy định số lượng người cho phép hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời…

Đối với lưu thông, vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh, không nên đặt ra vấn đề cấp QRcode cho xe/phương tiện, chỉ nên để lại các bộ tiêu chí liên quan đến con người vì con người mới là đối tượng cần kiểm soát. Người nhập cảnh (không phân biệt quốc tịch) đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trong vòng 72 giờ” là “được hoạt động” ở cả 4 cấp độ dịch.

Về biện pháp tiêm chủng vắc xin, theo bà Hương, với mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế thì nên ưu tiên vắc xin cho đội ngũ làm kinh tế. Hiện Dự thảo chưa cho thấy rõ tính ưu tiên cho nhóm đối tượng này. Đây là bài toán hết sức khó khăn của hầu hết DN sản xuất, kinh doanh trên cả nước hiện nay, vì người lao động muốn quay trở lại sản xuất kinh doanh đều buộc phải đáp ứng đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 hoặc tối thiểu tiêm 1 liều vắc xin.

Liên quan đến biện pháp cách ly, đại diện VASI đề xuất, nên hạn chế cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho ngành y tế, giảm rủi ro lây nhiễm. Dự thảo cần phải có quy định đồng bộ cho những người đã tiêm để nhất quán ứng xử với cả quốc tế lẫn trong nước, không tạo ra các quy định khác nhau ở các tỉnh thành riêng lẻ như hiện nay gây khó khăn cho DN (ví dụ như chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi chỉ cần cách ly 7 ngày, nhưng chuyên gia trong nước vẫn phải cách ly 14 - 21 ngày).

Đặc biệt, theo bà Hương, cần bổ sung vai trò của DN, Hiệp hội DN trong các Tổ công tác, Ban chỉ đạo PCD để đảm bảo thực thi nghiêm túc việc phối hợp công - tư và cộng hợp nguồn lực các bên như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo; phát huy mạnh mẽ vai trò của DN trong giai đoạn thích ứng an toàn sắp tới. Đề xuất này cũng được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập tới tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dich Covid-19 diễn ra vào cuối tuần qua.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục