Phát triển bền vững, thách thức từ tư duy tới hành động

(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã nhận định như vậy khi bàn về vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) tại Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV Việt Nam 2016 được tổ chức sáng ngày 8/11 tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp hiện chưa thực sự coi phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Ảnh: Ngọc Kỳ
Nhiều doanh nghiệp hiện chưa thực sự coi phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Ảnh: Ngọc Kỳ

Trở ngại lớn nhất là thiếu động lực đòi hỏi thay đổi

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã điểm lại những nét chính về kết quả khả quan đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm nay và cho biết Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu GDP năm nay tăng 6,3 - 6,5%, đồng thời kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý... “Thành tựu đạt được một phần do sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế với những chính sách mới nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp - đầu tầu nền kinh tế - mở rộng kinh doanh, tăng đầu tư, phát triển xuất khẩu. Đồng hành với những nỗ lực nêu trên của Chính phủ là sự khôi phục hoạt động kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN)” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn nhấn mạnh hơn là những thách thức PTBV trong những năm tới đây, từ tư duy đến hành động thực tiễn. Theo ông Vũ Đức Đam, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay để Việt Nam đuổi kịp các quốc gia phát triển là hiện các bộ, ngành vẫn chưa đánh giá đúng về cải cách thể chế vĩ mô, thị trường vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Các tiêu chí tăng trưởng xanh, công nghệ mới cũng chưa được coi là giá trị gia tăng của ngành, của DN. Chưa tạo được động lực đòi hỏi DN phải cải cách các nhân tố đầu vào, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm... Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu DN lớn, đi tiên phong và làm hình mẫu để tăng trưởng và PTBV. Điều này khiến cộng đồng DN hiện nay vẫn chưa thực sự coi trọng PTBV là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp

DN chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận thì chưa đủ để được gọi là “DN bền vững”. Một DN bền vững sẽ có được 2 loại giấy chứng nhận, một là chứng nhận về kinh doanh, và hai là sự công nhận từ chính những nhân viên, người lao động, các đối tác và cộng đồng.
Ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt chú trọng đến vấn đề cơ bản của tái cơ cấu là phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, quyết tâm trở thành một chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cơ quan nhà nước cần phải cải cách thu chi ngân sách, hướng đến vận hành bộ máy gọn nhẹ hơn, năng động hơn và thích ứng với các đổi mới hiện đại, thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, dịch vụ công...

Còn về phía DN, Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN phát huy tối đa tinh thần doanh nhân, ý chí khởi nghiệp, tận dụng mọi cơ hội, vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước. Đồng thuận với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội hoạt động trong môi trường đầu tư kinh doanh toàn cầu với những chuẩn mực khu vực và quốc tế, với luật chơi công bằng. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội đó và không để bị bỏ lại phía sau, DN Việt Nam cần phải thay đổi và có sự chuẩn bị chuyển đổi chu đáo. Sự thay đổi và chuẩn bị ở đây không chỉ là xem xét lại chiến lược kinh doanh, tìm hiểu kỹ khách hàng và thị trường, cố gắng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, có chất lượng, mà còn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ văn hóa doanh nghiệp về liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khác từ cộng đồng và xã hội.

“DN chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận thì chưa đủ để được gọi là “DN bền vững”. Một DN bền vững sẽ có được 2 loại giấy chứng nhận, một là chứng nhận về kinh doanh, và hai là sự công nhận từ chính những nhân viên, người lao động, các đối tác và cộng đồng. Đây mới chính là giấy thông hành cho DN trên chặng đường hướng tới mục tiêu PTBV” - ông Lộc nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ DN, Tập đoàn Bảo Việt nhận thấy, báo cáo PTBV đang trở thành lăng kính để người tiêu dùng, lực lượng lao động, xã hội và các nhà đầu tư đánh giá DN. Việc thực hiện báo cáo PTBV thể hiện DN đó có trách nhiệm trong công bố thông tin xác thực, minh bạch; củng cố hình ảnh thương hiệu vì cộng đồng; tạo được lợi thế cạnh tranh. Quá trình báo cáo cũng sẽ thúc đẩy cải tiến nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh như cải thiện khả năng đánh giá rủi ro và cơ hội kinh doanh mới; tăng khả năng cân nhắc lợi ích của các bên liên quan; dễ dàng xác định và định lượng giá trị kinh doanh; đồng thời cải tiến quy trình, văn hóa và công nghệ để PTBV. Cùng quan điểm này, bà Dương Mai Hoa – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cũng khẳng định, xu hướng PTBV là con đường tất yếu của một DN, và phi lợi nhuận là xu hướng phát triển chung của các DN xã hội hướng đến cộng đồng. Với những nỗ lực đang triển khai, Tập đoàn Vingroup cam kết sẽ dành 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 trường đại học theo mô hình phi lợi nhuận như các trường đại học danh tiếng trên thế giới...

Tin cùng chuyên mục