Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Trông chờ thay đổi chính sách thuế

(BĐT) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành ô tô đã chú trọng đầu tư vào dây chuyền, công nghệ sản xuất nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, một số chính sách liên quan đến thuế hiện chưa tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp CNHT.
Các chính sách về thuế nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp đề xuất phải thay đổi để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Ảnh: Thạch Lựu
Các chính sách về thuế nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp đề xuất phải thay đổi để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Ảnh: Thạch Lựu

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển CNHT với quy mô lớn tại Việt Nam, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải cho biết, Thaco đã đầu tư phát triển các nhà máy linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN; đồng thời xuất khẩu linh kiện ô tô.

Tuy nhiên, cùng với đó, doanh nghiệp CNHT lại phải nhập khẩu nhiều vật liệu, thiết bị cho quá trình sản xuất các phụ tùng, linh kiện lắp ráp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, giai đoạn 2010 - 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện khác nhau với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).

Theo một số doanh nghiệp, quá trình nhập khẩu này sẽ khiến ngành CNHT khó phát triển. Với sự thiếu chủ động về các vật liệu cơ bản, các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT của ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo, vải cho ngành dệt may và da giày chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sự phụ thuộc này làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp CNHT.

Từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Toyota Việt Nam lý giải, do chưa có các nhà cung ứng trong nước về công nghiệp vật liệu chất lượng cao nên doanh nghiệp CNHT ngành ô tô buộc phải nhập khẩu nguyên, vật liệu. Do đó, chi phí sản xuất của các nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam cao hơn từ 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực.

Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu là đầu vào sản xuất linh kiện quy mô lớn nhưng chính sách thuế đối với các mặt hàng này chưa được ưu đãi khiến ngành CNHT chưa phát triển.

Kiến nghị về chính sách thuế nhập khẩu, ông Phạm Văn Tài cho rằng, Chính phủ nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu vật liệu cơ bản, linh kiện sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp ô tô để sản xuất trong nước. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với nhập khẩu linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh của xe sản xuất trong nước.

Ngoài ra, ông Tài đặt vấn đề, nếu giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm và cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được lợi. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ô tô về 0%.

Mặt khác, để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước nhằm kéo giá xe giảm, việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cũng là một trong các giải pháp chính sách hiệu quả được đại diện Thaco kiến nghị với Chính phủ.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Tập đoàn Thành Công kiến nghị không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước. Chính sách này có tác dụng thúc đẩy các nhà đầu tư sản xuất linh kiện và các sản phẩm cơ khí phục vụ cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô có cơ sở để tăng quy mô sản xuất, kết nối mạnh mẽ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, từ đó tạo ra chuỗi giá trị liên kết trong ngành, nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Công ty CP Tập đoàn Thành Công, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ô tô để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện nội địa hóa sẽ giúp tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đầu tư vào nghiên cứu sản xuất sản phẩm cơ khí ô tô thay vì chỉ sản xuất với sản lượng lớn, trong tương lai dài có thể tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao phục vụ cho xuất khẩu.

Bà Đỗ Thu Hoàng cho rằng, Chính phủ có thể hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã về 0% từ năm 2018 bằng các chính sách thuế hướng tới việc tạo ra sức cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước về dài hạn. “Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, có thể cân nhắc việc bảo hộ vừa đủ cho xe sản xuất trong nước để tăng cạnh tranh; bình đẳng về cơ hội hưởng ưu đãi cho các nhà sản xuất xe...”, bà Hoàng kiến nghị.