Phát triển ĐBSH bứt phá, toàn diện, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là hoàn toàn đúng đắn, đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đạt kết quả cân đong đo đếm được, tạo niềm tin mới, động lực mới, khí thế phát triển mới. 
Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có hạ tầng tốt nhất cả nước. Ảnh: Lê Tiên
Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có hạ tầng tốt nhất cả nước. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi tỉnh, thành phố nhưng phải liên kết chặt chẽ, hiệu quả để phát triển chung cho cả vùng.

Đẩy nhanh các dự án quan trọng, liên kết vùng

Qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, đã hoàn thành được 3/36 nhiệm vụ, phê duyệt quy hoạch 9/11 tỉnh, thành phố, làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Chất lượng hạ tầng ngày càng được cải thiện, 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có hạ tầng tốt nhất cả nước (Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8).

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông tin, trong số 20 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công thực hiện 7 dự án, đang triển khai các thủ tục đầu tư 8 dự án, các dự án còn lại đang được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới. Một số dự án quy mô lớn đã được Thủ tướng chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách trung ương để triển khai là Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình)…

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế, gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, đề xuất các chính sách về đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Đề án về đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn; Nghị định về hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao; các chính sách về quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để áp dụng chung cho vùng; chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ…

Tuy nhiên, vùng còn một số khó khăn về hạ tầng đô thị, các vấn đề về môi trường có tính liên vùng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng ĐBSH là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương đề xuất rà soát 5 nhóm cơ chế, chính sách, gồm: phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án hạ tầng liên kết vùng; phân cấp tài chính - ngân sách; thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao; phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ; huy động, sử dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tăng tính hiệu quả của các chính sách hiện hành. Từ đó, tổng hợp, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của vùng Đồng băng sông Hồng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của vùng Đồng băng sông Hồng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Nguồn lực và động lực phát triển Vùng

Về phía các địa phương, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay vấn đề liên kết vùng là nội dung được đặc biệt quan tâm bởi không chỉ là liên kết về kinh tế mà còn là liên kết hạ tầng (giao thông, xã hội, y tế, giáo dục) trên cơ sở trao đổi, giao lưu nguồn lực giữa các địa phương. Đặc biệt là vấn đề liên kết về văn hóa là cái gốc với “hồn cốt” là nền văn minh sông Hồng, là đặc trưng riêng có, khác biệt cần được nhận định rõ, tìm cách phát huy. Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội mong muốn hoàn thiện thêm thể chế điều phối, phân cấp, phân quyền phù hợp để phát huy được tính chủ động của từng địa phương cũng như phát huy sức mạnh chung trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng, mong Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc xây dựng đề án, sớm triển khai định hướng phát triển 2 địa phương này trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, là động lực phát triển Vùng. Quảng Ninh đề nghị, có chủ trương thúc đẩy phát triển liên kết du lịch vùng, nhất là phát triển kinh tế “di sản” để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không làm triệt tiêu các động lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, xây dựng quy hoạch là quan trọng, song việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém, Thủ tướng yêu cầu triển khai Quy hoạch và phát triển, liên kết vùng bảo đảm truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững. Phương châm, quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý II/2024; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (nhất là nhân lực bán dẫn), nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác đã được Trung ương ban hành, nghiên cứu, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSH và liên kết vùng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao…