Phát triển năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong sớm có khung pháp lý ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năng lượng tái tạo được xác định là xu hướng tất yếu trong chuyển dịch năng lượng. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có khung pháp lý ổn định cho phát triển nguồn và lưới điện, tránh tình trạng “đứt mạch” như hiện nay.
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự báo đến năm 2045, nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng công suất. Ảnh: Văn Thịnh
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự báo đến năm 2045, nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng công suất. Ảnh: Văn Thịnh

Dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng 11/2021 thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự báo đến năm 2045, nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 45% tổng công suất; nhiệt điện than giảm mạnh, còn khoảng 15 - 19%.

Thực tế cho thấy, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được dòng doanh thu cho các chủ dự án. Trong đó, nổi cộm là vấn đề cơ chế giá bán điện áp dụng cho các dự án điện gió chưa được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021. Theo quy định, nếu các dự án chưa được công nhận COD trước thời hạn này sẽ không kịp hưởng chính sách mua điện theo mức giá cố định (FIT) là 8,5 UScent/kWh (trong đất liền), hay 9,8 UScent/kWh (trên biển) và phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu.

Chia sẻ tại Tọa đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban Quản lý năng lượng thuộc Tập đoàn T&T cho biết, hiện vẫn chưa rõ thời điểm áp dụng cơ chế đấu thầu. Điều đó khiến các nhà đầu tư dài hạn khó có thể tính toán chi phí, công tác đầu tư… Vì vậy, rất mong Nhà nước tạm thời gia hạn giá FIT cho đến khi ban hành cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Nói về giá bán điện, ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho biết, doanh nghiệp của ông sẵn sàng chấp nhận giá FIT mới khoảng 6,8 - 6,9 UScent/kWh, nhưng mong được thực hiện trong 10 năm để yên tâm hoàn vốn, sau đó xem xét và đàm phán lại với Chính phủ tùy bối cảnh. Dù lợi nhuận giảm nhiều nhưng doanh nghiệp an tâm đầu tư. Theo ông Tín, từ năm 2016 đến nay, với sự phát triển của công nghệ, chi phí đầu tư dự án điện gió trên đất liền giảm khoảng 20% và năng suất của máy cũng tốt hơn so với trước, nên giá FIT giảm tương ứng mức này là chấp nhận được.

Từ việc giá điện chưa rõ được tính toán ra sao sau thời điểm 31/10/2021, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex mong muốn các chính sách của Nhà nước trong thời gian tới cần có lộ trình cụ thể để nhà đầu tư có thể lên được kịch bản đầu tư, tránh rủi ro.

Một khó khăn khác được ông Sản chia sẻ là trong thời gian qua, nguồn điện phát triển thần tốc ở các vùng phụ tải thấp nhưng đầu tư lưới điện không đồng bộ dẫn đến việc truyền tải không hết nguồn đã đầu tư, phải cắt giảm sản lượng. Vướng mắc ở chỗ Luật Điện lực không cho phép đơn vị tư nhân thực hiện đầu tư đường dây. Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã sửa đổi vấn đề này, mong rằng sớm được ban hành để có cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư.

Đại diện Công ty TNHH Green Yellow Việt Nam - nhà đầu tư năng lượng đến từ Pháp đề xuất thiết lập một quy định yêu cầu toàn bộ các nhà đầu tư dự án điện độc lập (IPP) cung cấp dự báo về sản lượng điện năng lượng tái tạo đang được phát lên lưới nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý lưới điện.

Nhà đầu tư này đưa ra ví dụ, tại Pháp, nhà đầu tư phải cung cấp dự báo về sản lượng điện phát lên lưới điện trong thời gian mỗi 5 ngày kế tiếp cho mỗi hệ thống có công suất trên 5 MWp. Điều đó giúp cho nhà vận hành lưới điện nắm được tình hình và buộc tất cả các nhà vận hành phải tham gia vào việc quản lý nguồn điện tái tạo. Do đó, cần có những quy định để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia vào việc quản lý nguồn điện tái tạo một cách thiện chí và hợp tác.

Trước những chia sẻ, đề xuất của nhà đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, các đề xuất của đại diện Tập đoàn HBRE cũng đã nằm trong dự thảo của Bộ Công Thương trình Chính phủ. “Chúng tôi hiểu đầu tư phải có lợi nhuận nhưng phải hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng điện. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn vốn và sẽ tiếp thu, trình Thủ tướng”, ông Kiên nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương, sẽ có cơ chế chuyển tiếp với các dự án đầu tư dở dang. Còn các dự án đầu tư sau thời điểm 1/11/2021, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế lựa chọn nhà đầu tư dự án qua đấu thầu, các địa phương đảm nhiệm việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ theo quy định tại Luật Giá, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.