Phát triển nhà ở cho công nhân tại KCN, KCX: Cần giải pháp tổng thể

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, vấn đề nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp (KCN) phải sớm được giải quyết. Khi được an cư, điều kiện sống tốt hơn, người lao động sẽ yên tâm bám trụ tại các KCN, giảm đi những cuộc “hồi hương” bất đắc dĩ và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động đang xảy ra.
Bất cập trong chính sách và thiếu vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở dành cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Công Thành
Bất cập trong chính sách và thiếu vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở dành cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Theo số liệu của Bộ Xây dựng vừa công bố, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân KCN, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân nào được hoàn thành, bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.

Về nguyên nhân dẫn đến phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ Xây dựng cho biết hiện chưa có chính sách riêng về nhà ở công nhân. Theo pháp luật hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội quy định tại Luật Nhà ở năm 2014. Còn có sự chưa thống nhất về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN giữa các luật. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng KCN.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân KCN) vẫn còn thiếu.

Theo Bộ Xây dựng, cần giải pháp tổng thể để phát triển nhà ở cho công nhân lao động KCN, khu chế xuất (KCX). Bộ cho biết đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan. Đồng thời, cần thêm cơ chế ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng...

Về ngắn hạn, Bộ Xây dựng kiến nghị, UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN nghiên cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong KCN làm nhà lưu trú công nhân. Rà soát đối với các KCN, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, người lao động làm việc tại KCN và giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN trực tiếp đầu tư hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai thực hiện. Có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội gần các KCN, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị nhiều giải pháp về nguồn vốn phát triển nhà công nhân, trong đó kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, KCX vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và khu kinh tế, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung một số quy định để phát triển nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động làm việc trong KCN. Trong đó có quy định, khi xác định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải bảo đảm quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động, tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN. Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. Một trong các điều kiện xem xét, mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động...

Tin cùng chuyên mục