Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa như: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo; Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, diễn ra ngày 24/11 tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

“Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định ba nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”. Đường lối văn hóa kháng chiến, kiến quốc tiếp tục hình thành và phát triển.

Năm 1991, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Đảng trình Đại hội VII “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội” được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII".

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể. Đây là nghị quyết bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước trong giai đoạn mới. Đại hội lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội”. Quan điểm này được làm sâu sắc hơn trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa tiếp tục được kế thừa, phát huy trên tinh thần thống nhất, xuyên suốt cho tới Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu về văn hóa tại Nhà Quốc hội.

Trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu về văn hóa tại Nhà Quốc hội.

Vai trò và vị trí của văn hóa chưa được nhận thức đầy đủ

Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay...

Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng sau 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội.

Hàng trăm đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Hàng trăm đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Nguyên nhân được chỉ ra: Nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa chưa quyết liệt, chưa đề xuất được giải pháp đúng đắn, đồng bộ để xây dựng văn hóa, con người.

Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao còn hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới còn chậm, thiếu tính hệ thống.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương nêu trong Nghị quyết còn chậm, chưa theo kịp thực tiễn xây dựng văn hóa, phát triển con người.

Sự biến đổi toàn diện, sâu sắc xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tạo ra sự đan xen giữa các yếu tố tích cực và tiêu cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức mới đang hình thành, là sự xuất hiện, tác động của hành vi, sản phẩm văn hóa lệch chuẩn, loạn chuẩn, thậm chí độc hại; ảnh hưởng từ các tiêu cực, tệ nạn xã hội; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội… Những điều đó đã và đang tác động nhiều mặt, nhiều chiều, tạo áp lực đến công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Hội trường Diên Hồng, nơi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Hội trường Diên Hồng, nơi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm để xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới:

(1). Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước;

(2). Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới;

(3). Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại;

(4). Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù;

(5). Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội;

(6) Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước;

(7). Xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp Nhân dân;

(8). Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người;

(9). Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Tin cùng chuyên mục