Phía sau việc chuyển nhượng cổ phần dự án BOT

(BĐT) - Cách đây không lâu, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP (Cienco 1) đã mất khá nhiều tâm sức để giành lợi ích từ Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. 
Cienco 1 quyết định chuyển nhượng toàn bộ 18% phần vốn góp tại Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Ảnh: Lê Tiên
Cienco 1 quyết định chuyển nhượng toàn bộ 18% phần vốn góp tại Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi ngày 6/1/2017, Hội đồng quản trị Cienco 1 đã quyết định phê duyệt chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 18% phần vốn góp tại dự án này cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Ngoài Cienco 1, nhiều DN đầu tư xây dựng hạ tầng cũng chuyển nhượng phần vốn của mình tại dự án BOT với những lý do khác nhau.

Sôi động chuyển nhượng

Cùng với quyết định bán 18% cổ phần tại Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cienco 1 cũng sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành tại Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng. Hiện Phương Thành và Công Thành mỗi DN đang sở hữu 9% số cổ phần của Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng.

Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng đều là doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện vai trò của nhà đầu tư BOT tại 2 dự án giao thông lớn. Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn tất và đưa vào thu phí từ tháng 6/2015 và đang tiếp tục thi công giai đoạn 2. Dự án cầu Bạch Đằng đang thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017. 

Nếu được cơ quan quản lý và bên cho vay chấp thuận, cả Cienco 1 và Phương Thành sẽ đều nâng vai trò của mình trong mỗi công ty. Cienco 1 sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng từ 10% lên 28% và Phương Thành nâng tỷ lệ góp vốn tại Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 17% lên 35%.

Giữa 2 cổ đông hiện nay của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là Phương Thành và Minh Phát có mối quan hệ “bắc cầu”. Phương Thành đã liên danh với Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành để thực hiện Dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Theo tìm hiểu, một trong các cổ đông sáng lập của Công ty Công Thành là bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nắm 33% vốn điều lệ. Bà Tú cũng đang nắm 26% vốn điều lệ của Công ty Minh Phát – cổ đông nắm 65% vốn điều lệ của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Dấu hỏi mượn danh

Có hay không việc Thái Ninh mượn danh nghĩa của các nhà đầu tư có đủ điều kiện để sau quá trình chuyển nhượng trở thành chủ thực sự của dự án BOT này?
Dự án BOT Quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu là một điển hình về lùm xùm trong chuyển nhượng cổ phần của chủ dự án là Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC). Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức BOT được Chính phủ chấp thuận các nhà đầu tư tại Văn bản số 7962/VPCP-KTN, ngày 11/9/2008, gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Các nhà đầu tư này đã thành lập BVEC là doanh nghiệp dự án. BVEC được thành lập ngày 15/12/2008, với số vốn điều lệ là 1.750 tỷ đồng. Trong đó, các cổ đông sáng lập là IDICO, Tổng công ty Sông Đà và BIDV đăng ký mua số cổ phần trị giá 1.557,5 tỷ đồng. Thế nhưng, tính đến tháng 4/2016, các cổ đông sáng lập mới góp 7% vốn điều lệ và đến thời điểm 30/5/2016 thì các cổ đông sáng lập lúc này là Thái Ninh, DIC, IDICO mới mua được 307 tỷ đồng, đạt 17,5%.

Trong khi chưa góp đủ vốn, chưa mua đủ cổ phần theo quy định, trong năm 2011, các cổ đông sáng lập đã “âm thầm” chuyển nhượng cổ phần cho những đối tác khác khi chưa được phép của các cơ quan liên quan. Tổng công ty Sông Đà chuyển toàn bộ cho Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), BIDV chuyển cho Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC). Sau đó ít ngày, BEDC chuyển nhượng hết cổ phần cho nhà đầu tư mới là Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thái Ninh. DIC cũng đề nghị chuyển hết cổ phần cho Thái Ninh.

Năm 2015, cổ đông sáng lập ban đầu IDICO cũng đã được chấp thuận thoái vốn toàn bộ khỏi Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức BOT và Thái Ninh đang có ưu thế được ưu tiên mua cổ phần của IDICO theo ý kiến của Bộ Xây dựng.

Điều đáng nói là các hợp đồng chuyển nhượng khi mà các cổ đông sáng lập chưa thực hiện đúng quy định góp vốn và nhiều hợp đồng diễn ra trước khi dự án hoàn thành (dự án hoàn thành vào năm 2013).

Việc chuyển nhượng cổ phần tại dự án này đang đặt ra vấn đề: Có hay không việc Thái Ninh mượn danh nghĩa của các nhà đầu tư có đủ điều kiện để sau quá trình chuyển nhượng trở thành chủ thực sự của dự án BOT này?

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chậm tiến độ cũng vì 2 lần phải cơ cấu lại thành viên góp vốn của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện Dự án do sự rút vốn của 2 cổ đông.

Theo ý kiến của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, việc chuyển nhượng cổ phần này có thể tạo kẽ hở phát sinh việc chuyển nhượng, mượn danh để mua bán dự án BOT. Việc ký kết hợp đồng xuất phát từ đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư ban đầu. Nếu việc chuyển nhượng không được giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến việc nhà đầu tư được chuyển nhượng về sau không đủ năng lực hoặc gây ra những xáo trộn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện dự án. Vì thế, nên có quy định việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng nhà đầu tư chỉ được thực hiện ít nhất là sau khi dự án hoàn thành và nhất định phải có ý kiến của bên cho vay.