Phú Yên: Loạt vướng mắc làm tắc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hết tháng 8/2022, Phú Yên đang nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức trung bình của cả nước. Bên cạnh các dự án đầu tư xây dựng mới, thì hàng loạt dự án chuyển tiếp được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 cũng đang tạo áp lực giải ngân rất nặng nề đối với địa phương này trong những tháng cuối năm.
Đến ngày 31/8/2022, giá trị giải ngân liên quan đến vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh Phú Yên quản lý là 1.548,828 tỷ đồng. Ảnh minh họa: QT
Đến ngày 31/8/2022, giá trị giải ngân liên quan đến vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh Phú Yên quản lý là 1.548,828 tỷ đồng. Ảnh minh họa: QT

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 31/8/2022, giá trị giải ngân liên quan đến vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là 1.548,828 tỷ đồng, đạt 33,1% kế hoạch vốn Trung ương giao, bằng 24,5% kế hoạch vốn Tỉnh giao.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có một số dự án trọng điểm chiếm tỷ trọng vốn lớn đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, theo ước tính, các dự án này đều không thể hoàn thành kế hoạch, chủ yếu xuất phát từ vướng mắc về mặt bằng. Cụ thể, Dự án Tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) có tổng mức đầu tư 1.407 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch năm 2022 bố trí 431 tỷ đồng, ước giải ngân đến hết năm 2022 chỉ đạt 90,5% kế hoạch do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm.

Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương năm 2021 chuyển sang năm 2022 là 43 tỷ đồng, nhưng hiện chưa thể giải ngân do mới bàn giao gần 72% mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Dự án Tuyến nối Quốc lộ 1A đến khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế Nam Phú Yên có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2021. Tuy nhiên, năm 2021, Dự án mới được bố trí vốn để triển khai thi công. Do gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB, Dự án được điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành sang năm 2023. Năm 2022, Dự án được Trung ương bố trí 300 tỷ đồng, nhưng dự kiến chỉ giải ngân được khoảng 220 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được điều chuyển cho dự án có nhu cầu hoặc còn thiếu vốn.

Bên cạnh đó, một số dự án cũng được dự báo không thể hoàn thành kế hoạch năm và phải điều chuyển vốn như: Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Nam thuộc Khu đô thị mới TP. Tuy Hòa; Khu công viên trung tâm thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa; San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 6, đường Phan Chu Trinh thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa; Đường ven Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; Hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (giai đoạn 1)...

Theo UBND tỉnh Phú Yên, qua thực tiễn triển khai, những khó khăn, vướng mắc tại các dự án tập trung chủ yếu vào một số nhóm vấn đề. Thứ nhất là về thể chế. Theo Luật Xây dựng, điều kiện để khởi công công trình là có mặt bằng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng, trong khi đó, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện không có quy định được phép giao đất toàn bộ hoặc từng phần theo tình hình GPMB, nên hầu hết dự án chỉ có được quyết định giao đất sau khi toàn bộ dự án đã được GPMB. Như vậy, sự mâu thuẫn trong quy định pháp luật liên quan đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, giải ngân vốn.

Bên cạnh đó là bất cập trong trong việc định giá đất ở. Bởi trên thực tế, hầu hết giá đất xác định khi đền bù GPMB đều thấp hơn so với giá thị trường, dẫn đến khó khăn khi áp giá bồi thường, xảy ra tình trạng khiếu nại phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.

Nguyên nhân thứ hai là do dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện hồ sơ thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất bị chậm, làm cho tiến độ huy động vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của yếu tố thị trường như giá vật liệu, nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến các gói thầu. Phần lớn nhà thầu phải thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh, hoặc chờ giá vật tư giảm, qua đó làm chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm giải ngân vốn.

Trước nguy cơ không thể hoàn thành kế hoạch năm, ngày 19/9, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định của pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện, tăng tốc độ giải ngân.

Tin cùng chuyên mục