Thời gian qua, thông qua hình thức PPP, chất lượng kết cấu hạ tầng logistics đã phần nào được cải thiện. Ảnh: Lê Tiên |
Cơ hội về thị trường lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, PPP có sự hòa quyện trong chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân. Nếu phát triển được PPP thì đây sẽ là giải pháp rất tốt để chúng ta nắm bắt cơ hội từ CPTPP cũng như các hiệp định kinh tế khác.
Phân tích cụ thể cơ hội thúc đẩy PPP trong lĩnh vực dịch vụ logistics để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên CPTPP, ông Trần Quốc Khánh cho biết: “Dịch vụ logistics của Việt Nam sẽ không thể phát triển được nếu các doanh nghiệp (DN) tiếp tục bán FOB và mua CIF, tức là DN chỉ bán đến cảng biển của mình còn việc thuê tàu như thế nào để mang hàng hóa tới nước bạn thì DN lại không quan tâm. Chừng nào DN còn bán FOB và mua CIF, chừng đó dịch vụ logistics của Việt Nam còn khó phát triển”. Do vậy, với CPTPP, nhiều thị trường mới mở ra, hy vọng PPP sẽ là mô hình giúp DN tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập.
Chung góc nhìn này, đánh giá cao mô hình PPP trong thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, PPP sẽ là giải pháp hữu hiệu để Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội trong điều kiện kinh tế hội nhập sâu rộng. Theo ông Tương, thời gian qua, thông qua hình thức PPP, chất lượng kết cấu hạ tầng logistics phần nào được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện các DN Việt Nam chưa khai thác được nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn nhận vai trò quan trọng của mô hình PPP trong việc tập trung nguồn lực và cung cấp thông tin thị trường, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, PPP là mô hình hợp tác khả thi giữa bộ, ngành và khu vực tư nhân, giúp DN đánh giá chính xác thông tin, cơ hội thị trường, sự cạnh tranh của các bên và hành động cần thiết đối với từng nhóm sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, hiện hợp tác PPP trong hoạt động cung cấp thông tin thị trường của Việt Nam còn yếu. Lý do là, các hiệp hội và cơ quan quản lý chưa có mối quan hệ, chia sẻ với nhau, việc tiếp nhận và phổ biến thông tin chưa được sâu sát, nhất là về Hiệp định CPTPP.
Mở rộng lĩnh vực hợp tác PPP
Khẳng định PPP sẽ là “chìa khóa” cho phát triển kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện PPP không chỉ đơn thuần là hợp tác phát triển lĩnh vực kết cấu hạ tầng mà đã mở rộng hơn, là sự chung tay của Nhà nước và DN trong phát triển kinh tế nói chung.
Ông Lộc cho rằng, chúng ta muốn thực hiện tốt mô hình PPP tận dụng cơ hội trong CPTPP, cần hiểu rõ vai trò của từng chủ thể trong mô hình này. Đó là DN giữ vai trò quan trọng, các hiệp hội DN là trung tâm kết nối, còn Nhà nước giữ vai trò yểm trợ vững chắc, tạo điều kiện cho DN bứt phá.
“Đối với việc cung cấp thông tin hội nhập, các hiệp hội DN đóng vai trò quan trọng. Muốn như vậy, phải chuyển giao dịch vụ công của Nhà nước cho các hiệp hội DN. Các bộ, ngành không nên “ôm” tất cả. Vì vậy, chúng ta phải phân tích lại chức năng, phân bổ lại nguồn lực để các hiệp hội DN có không gian phát triển”, ông Lộc nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lộc, bất cập tại một số dự án triển khai theo hợp đồng BOT vừa qua không phải lỗi của PPP mà chính là do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện. “Đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật PPP để tạo cơ sở minh bạch, an toàn cho phát triển hạ tầng”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Với việc thể chế về PPP đang tiếp tục được hoàn thiện, ông Trần Quốc Khánh tin tưởng, thời gian tới chắc chắn mô hình PPP sẽ phát triển mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập.