PPP - công cụ nâng tầm nông sản Việt

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, nhiều khả năng tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 41 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực nông nghiệp.

Phát triển mô hình PPP trong nông nghiệp đã giúp huy động nguồn lực, đem lại hiệu quả rõ nét trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Huấn Anh
Phát triển mô hình PPP trong nông nghiệp đã giúp huy động nguồn lực, đem lại hiệu quả rõ nét trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Huấn Anh

Với sự hoàn thiện khung pháp lý về phương thức đầu tư này, PPP sẽ là công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng tầm nông sản Việt.

Những kết quả bước đầu

Tại Hội nghị toàn thể và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) diễn ra ngày 2/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sau 10 năm triển khai mô hình PPP trong lĩnh vực nông nghiệp theo sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Bộ NN&PTNT đã cùng các doanh nghiệp (DN) quốc tế và trong nước thành lập mô hình PPP để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã cùng 15 DN quốc tế như: ADM, Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Swiss Re, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International… thành lập mô hình PPP phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.

Tới nay, PSAV đã thành lập được 8 nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm các nhóm về cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan trung ương và địa phương, các DN quốc tế và trong nước…

“Việc triển khai các nhóm công tác PPP ngành hàng đã mang lại kết quả đáng khích lệ cho ngành”, ông Doanh đánh giá. Đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, PPP nông nghiệp tạo dựng một số chuỗi giá trị liên kết các sản phẩm có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu…, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng mô hình PPP trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Với những kết quả đạt được, hiện PPP nông nghiệp Việt Nam đã được lấy làm mẫu hình của WEF.

Theo ông Tuấn, thành quả lớn nhất của mô hình này là đối tác công tư phối hợp chặt chẽ trong việc hoạch định chương trình sản xuất bền vững đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, thông qua PPP, các tập đoàn đa quốc gia đã đưa vào Việt Nam những công nghệ mới giúp giảm chi phí, đạt chuẩn bền vững, từ đó góp phần tăng hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ngoài ra, PPP nông nghiệp còn giúp người nông dân, hợp tác xã cũng như DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, phát triển mô hình PPP trong nông nghiệp đã giúp Lâm Đồng huy động nguồn lực, đem lại hiệu quả rõ nét trong phát triển nông nghiệp của Tỉnh.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Nafood Group chia sẻ, nhờ có mô hình PPP mà chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam có một số giống mới, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được mở rộng…

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Trong bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19 và các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, đa số các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, PPP sẽ là công cụ thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp thời gian tới. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sự hoàn chỉnh của khung pháp lý về PPP với việc Luật PPP có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ là cú hích cho đầu tư vào ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Châu cho biết, hiện PPP nông nghiệp mới chỉ tập trung vào các ngành hàng chủ lực, PPP trong lĩnh vực thủy lợi và nước sạch ít được thực hiện do những vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục.

Ngoài ra, ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc quốc gia Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) chia sẻ, DN nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiếp cận các nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển… Vì vậy, cần sớm tháo gỡ những nút thắt này để PPP nông nghiệp thực sự là cú hích thu hút đầu tư.

Hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam, tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố kế hoạch hành động của PSAV giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa PPP trở thành công cụ thu hút đầu tư, nhằm chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh và yêu cầu mới.

Tin cùng chuyên mục