PTIC tiếp tục bán đất để mua cổ phiếu?

(BĐT) - Sáng 14/6/2016, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC - mã chứng khoán PTC) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016. Sự kiện diễn ra sau khi PTIC công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2016 với lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của Công ty nhiều năm trước cộng lại. Khoản lợi nhuận đột biến này có được nhờ việc ghi nhận doanh thu bán trụ sở của Công ty tại Pháp Vân, Hà Nội.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện phải bán đất vì không xin được dự án để triển khai. Ảnh: Minh Thư
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện phải bán đất vì không xin được dự án để triển khai. Ảnh: Minh Thư

Năm 2015, PTIC lỗ hợp nhất gần 11 tỷ đồng sau thuế. Khoản lỗ năm 2015 được PTIC cho biết do hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con mà PTIC vừa thâu tóm là Công ty CP Xi măng Sông Đà Yaly (mã chứng khoán SDY). Kế hoạch kinh doanh 2016 được PTIC đề ra với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 348 tỷ đồng và 52,9 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2016, ông Võ Anh Linh, Chủ tịch HĐQT PTIC cho biết, trong quý II, Công ty ước lãi khoảng 8 tỷ đồng nhờ tất toán các khoản đầu tư, nâng lợi nhuận nửa đầu năm 2016 lên mức 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, nửa cuối năm nay, Công ty sẽ phải thoái vốn khỏi các công ty con thua lỗ nên phải trích lập dự phòng thêm khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Đó là lý do lợi nhuận kế hoạch cả năm của PTIC thấp hơn kết quả ước tính nửa đầu năm 2016. 

“Món quà của thế hệ trước”

Đã từ lâu, PTIC không nhắc đến C30, dự án được triển khai trên khu đất có diện tích trên 41 ha nằm giữa quận Tân Bình và quận 10, TP.HCM. Dự án có chủ trương quy hoạch từ năm 2003, tuy nhiên việc bàn giao đất thực sự chưa được tiến hành. Ban lãnh đạo PTIC cho biết, việc khôi phục dự án quá nhiêu khê và phức tạp, thậm chí tốn một khoản chi phí rất lớn, trong đó có những khoản “không thể nêu tên”. Do vậy, Công ty chỉ tìm cách thu về 5,8 tỷ đồng đã đầu tư.

Chia sẻ với cổ đông, ông Võ Anh Linh cho biết, hậu quả của hoạt động kinh doanh thua lỗ những năm trước đây, đặc biệt là năm 2012, là vô cùng to lớn và có ảnh hưởng lâu dài. Tuy nhiên, công bằng mà nói, các thế hệ lãnh đạo trước vẫn để lại cho PTIC “một ít tài sản”, trong đó nổi bật nhất là các khu đất.

Trụ sở văn phòng của PTIC tại thôn Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được chuyển nhượng giúp Công ty ghi nhận lãi khủng trong quý I vừa qua. Ngoài ra, PTIC cũng đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền đất thuê tại Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội với Công ty CP Sunhouse trị giá 55,2 tỷ đồng.

Về việc chuyển nhượng các khu đất, lãnh đạo PTIC cho biết, nếu giữ các khu đất, nguồn thu từ các dịch vụ xung quanh không đủ bù chi, mỗi năm đều ngốn của Công ty khoảng 5 tỷ đồng. Giá trị đất phi nông nghiệp đang giảm dần do thuế đất có xu hướng gia tăng. Việc giữ một khu đất chỉ có giá trị khi Công ty triển khai được dự án bất động sản trên đó. Tuy nhiên, đó không phải là lợi thế của PTIC, hơn nữa Công ty chưa “xin” được dự án nào nên bán đi là giải pháp duy nhất.

Đầu tư là… giải pháp tình thế

Không thừa nhận trực tiếp PTIC nằm trong nhóm cổ đông thâu tóm Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, ông Võ Anh Linh cho biết, nhóm đầu tư gồm những anh em cùng chí hướng nên việc san sẻ thông tin và lợi ích là hết sức bình thường.
Một điều tương đối hài hước là hơn một lần tại ĐHCĐ thường niên, lãnh đạo PTIC “nhắc nhở” cổ đông về hoạt động chính của Công ty là xây lắp chứ không phải là đầu tư, càng không phải là quỹ đầu tư. Dường như, hầu hết cổ đông đều đang nhìn nhận PTIC như một công ty chuyên đầu tư.

Như Báo Đấu thầu đã đề cập ở các bài viết trước, thu được khoản tiền lớn từ việc bán đất, thay vì việc mở rộng, đầu tư vào mảng kinh doanh cốt lõi, PTIC gom lại để… mua cổ phiếu.

Trả lời câu hỏi cổ đông, đại diện PTIC cho biết, xuất phát điểm của Công ty là chuyên xây nhà cho các bưu điện, năng lực xây lắp của PTIC chỉ dừng lại ở các dự án quy mô không quá 10 tầng nổi và 1 tầng hầm. Ngoài ra, đến năm 2015, công ty mẹ PTIC mới chính thức đáp ứng điều kiện “3 năm liên tiếp không lỗ”, đủ tiêu chuẩn trở thành nhà thầu các công trình xây lắp. Việc đấu thầu của PTIC từ trước đến nay chưa bao giờ dễ dàng. Trong thời điểm khó khăn hiện tại, PTIC buộc phải mang nguồn tiền thu được đi đầu tư, nhằm tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. 

Về khoản đầu tư vào Xi măng Sông Đà Yaly, nguyên nhân chính khiến PTIC thua lỗ năm 2015 vừa qua, ban lãnh đạo Công ty cho biết, đã tính đến việc mất toàn bộ vốn. Xi măng Sông Đà Yaly đang sở hữu hệ thống tài sản tương đối tốt. Khối tài sản đó còn khoảng 100 tỷ đồng sau khấu hao. Ngoài ra, mua cổ phiếu SDY đồng nghĩa với mua nhà máy xi măng, có thể giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển khi PTIC thực hiện các công trình xây dựng ở khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, cổ phiếu SDY vẫn có sức hút đặc biệt đối với ban lãnh đạo PTIC và trở thành khoản đầu tư dài hạn. Các khoản đầu tư khác được PTIC xếp vào nhóm ngắn hạn và mang lại hiệu quả tương đối tốt cho Công ty.

Không thừa nhận trực tiếp PTIC nằm trong nhóm cổ đông thâu tóm Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, ông Võ Anh Linh cho biết, nhóm đầu tư gồm những anh em cùng chí hướng nên việc san sẻ thông tin và lợi ích là hết sức bình thường. Ông Linh đã được Gelex bầu vào HĐQT Công ty nhiệm kỳ đầu tiên.   

Tin cùng chuyên mục