Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của PVX đạt 2.621,59 tỷ đồng, giảm 7,55% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 21,74 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt 4.901,47 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 44,56% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 32,43 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần cùng kỳ và hoàn thành 43,24% kế hoạch năm.
Theo giải trình từ phía PVX, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do công ty đã nỗ lực đẩy mạnh tiến độ thi công công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công trình khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, công trình Viện Dầu khí phía Nam và các công trình trọng điểm khác.
Bên cạnh đó, PVX cũng đã thực hiện quyết liệt thu hồi công nợ, tiết giảm chi phí để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Theo bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30/6/2016, tổng tài sản của PVX tăng 121 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 14.984 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 14,9% lên gần 4.048 tỷ đồng và chiếm 43% tổng tài sản ngắn hạn; hàng tồn kho giảm 13,9%, ở mức 4.028,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả không có nhiều biến động, đạt xấp xỉ đầu năm gần 11.997 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn giảm nhẹ gần 1%, ở mức 9.916 tỷ đồng, trong đó, phải trả người bán ngắn hạn đã tăng hơn 16%, lên 4.498 tỷ đồng, chiếm 45,36% trong tổng nợ ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm này âm hơn 2.896 tỷ đồng.
Hiện PVX có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, trong đó, nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nắm giữ 54,47% vốn và vốn góp cổ đông chiếm 45,53%.
Được biết, trong gần nửa năm nay, diễn biến giá cổ phiếu PVX chỉ giao động quanh vùng 2.000 đồng/CP.