PwC: Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đối mặt với "khoảng cách niềm tin"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2023 của PwC Việt Nam - Chuyển đổi để xây dựng niềm tin, doanh nghiệp gia đình không chỉ cần chuyển đổi để xây dựng niềm tin mà còn cần phải thể hiện các giá trị của mình thông qua những nỗ lực cụ thể và truyền đạt một cách rõ ràng với các bên liên quan.

Báo cáo của PwC chỉ ra, so với kết quả khảo sát năm 2021, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022, với 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về doanh số, trong đó 36% cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn. Chỉ khoảng 14% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới, thấp hơn một nửa so với kết quả trong cuộc khảo sát trước đó của PwC. Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cũng chọn ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc việc thay đổi/điều chỉnh mô hình kinh doanh với ưu tiên hàng đầu là mở rộng sang các thị trường mới trong vòng hai năm tới.

Khảo sát của PwC cho thấy, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cũng giống như các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu và khu vực, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Cụ thể là, các doanh nghiệp gia đình đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn đạt được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Rõ ràng các doanh nghiệp gia đình cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp và các bên liên quan chính.

Khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp gia đình và các bên liên quan

Khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp gia đình và các bên liên quan

Khảo sát cho thấy, 4 bên liên quan chủ chốt đảm bảo sự phát triển và thành công trong tương lai bao gồm: Khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên và thành viên gia đình. Khách hàng (75%), nhân viên (61%) và nhà đầu tư (61%) là những đối tượng quan trọng nhất đối với doanh nghiệp gia đình để xây dựng niềm tin. Trong khi đó, niềm tin của các thành viên trong gia đình đang bị xem là ít quan trọng hơn (28%).

Niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các doanh nghiệp gia đình đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%). Mặc dù hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Cụ thể, khi được yêu cầu xếp hạng năm ưu tiên hàng đầu trong hai năm tới, chỉ 17% số người được hỏi chọn tăng cường trách nhiệm xã hội của tổ chức; 6% chọn cải thiện kết quả thực hiện liên quan đến tính đa dạng và hòa nhập; không ai chọn giảm phát thải carbon của tổ chức và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Báo cáo của PwC nhận định, đây là lúc các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và chuyển trọng tâm, nguồn lực vào ESG cũng như cho khách hàng thấy hành động của mình. Tuy nhiên, chỉ 34% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu phi tài chính đã xác lập.

Bằng cách minh bạch về các hoạt động kinh doanh và duy trì chất lượng nhất quán trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, các doanh nghiệp gia đình có thể tạo nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin với khách hàng. Và điều này có thể mang lại thành công lâu dài.

Niềm tin trong nội bộ gia đình chưa được chú trọng

Khảo sát của PwC cho thấy, khoảng 40% số người được hỏi thừa nhận mức độ tin tưởng thấp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa thế hệ kế nghiệp (NextGen) và thế hệ đương nhiệm; và giữa các thành viên hội đồng quản trị với những người khác.

Gần một phần ba (28%) xem việc được các thành viên trong gia đình tin tưởng là điều cần thiết, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (63%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (54%). Điều này có thể giải thích kết quả 64% số người được hỏi chia sẻ rằng, xung đột gia đình trong doanh nghiệp hay xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và châu Á - Thái Bình Dương (29%).

Để đạt được sự tin tưởng trong nội bộ, các thế hệ cần hợp tác chặt chẽ cùng nhau trong việc thiết lập cấu trúc quản trị gia đình và thông lệ trong hoạt động kinh doanh nhằm chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình. Nghiên cứu của PwC cho thấy, có hai lĩnh vực trọng tâm cần được quan tâm đó là làm rõ vai trò và trách nhiệm đối với những người tham gia điều hành doanh nghiệp và thiết lập các giá trị và mục tiêu chung.

Tin cùng chuyên mục