Quản lý chặt chẽ hợp đồng thi công xây dựng sau đấu thầu là “chìa khóa” để đảm bảo hiệu quả của gói thầu/dự án. Ảnh: Nhã Chi |
Quản lý hợp đồng sau đấu thầu vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, thậm chí bị buông lỏng, là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà thầu chỉ vì mong muốn có việc làm mà dễ dãi trong thương thảo, quản lý hợp đồng.
Thực trạng quản lý hợp đồng
Quản lý chặt chẽ hợp đồng thi công xây dựng sau đấu thầu là “chìa khóa” để đảm bảo hiệu quả thành công của gói thầu/dự án, mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế xây dựng, việc quản lý tốt hợp đồng là cơ sở để đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng gói thầu/dự án, cũng như quản lý một cách tốt nhất những rủi ro không lường trước có thể xảy ra. Hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng gắn kết, ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu và chủ đầu tư, cả về trách nhiệm thực hiện hợp đồng lẫn trách nhiệm thanh toán. Do đó, việc giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng là một trong những kênh khách quan nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả của công tác đấu thầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, vị chuyên gia này cho rằng, công tác quản lý việc thực hiện hợp đồng xây dựng sau đấu thầu của các dự án tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế được chỉ ra là có không ít chủ đầu tư, bên mời thầu chưa hiểu đúng tầm quan trọng của hợp đồng và chuỗi liên kết giữa quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu với quá trình hoàn thiện, ký kết, quản lý hợp đồng. Chính vì vậy, hợp đồng với nhà thầu xây dựng không đầy đủ, còn sơ sài, cơ chế thưởng phạt không rõ ràng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, chất lượng công trình không đảm bảo.
Trong một nghiên cứu hướng dẫn quản lý hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng thi công thuộc Dự án Tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án xây dựng ở Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện, chuyên gia JICA thẳng thắn đánh giá, quản lý hợp đồng xây dựng ở các dự án sử dụng vốn công ở Việt Nam vẫn còn có vấn đề. Cụ thể là khi dự án có bất kỳ phát sinh nào dẫn đến sự thay đổi, hai bên lại phải thương thảo về mức độ điều chỉnh (giá và thời gian) trước khi tiến hành công việc nên mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, có nhiều chủ thể tham gia vào hợp đồng (chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án/tư vấn giám sát và nhà thầu), trong đó chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án có quyền hành và chịu trách nhiệm chính trong mọi vấn đề, nên các quyết định của chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án thường có xu hướng “thiên vị” bên trao thầu.
Tăng cường năng lực quản lý hợp đồng
Đánh giá khung pháp lý về quản lý hợp đồng xây dựng hiện nay, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà thầu cho rằng, hiện hệ thống pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng. Do đó, khi các bên thực hiện đúng sẽ không có chuyện dự án dây dưa về tiến độ hay thiếu tường minh trong quá trình thực hiện dự án. Các chuyên gia lưu ý, để có được một hợp đồng tốt thì các điều khoản trong hợp đồng phải đầy đủ các yêu cầu, rõ ràng để các bên tuân thủ thực hiện.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý hợp đồng, Nhóm nghiên cứu của JICA cho rằng, với trường hợp khi dự án phát sinh bất kỳ sự việc nào dẫn đến thay đổi, hai bên phải thương thảo và thỏa thuận lại thì cần phải được thực hiện đồng thời. Cùng với đó là đơn giản hóa về quy trình thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình thanh toán giai đoạn.
Chốt lại, Nhóm nghiên cứu của JICA khẳng định, điều quan trọng nhất chính là vấn đề nhân sự thực hiện quản lý hợp đồng, nhất là ở những công trình sử dụng vốn công. Họ phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, đưa ra những quyết định công bằng trong quá trình quản lý hợp đồng thực hiện gói thầu/dự án.