Lợi nhuận của Baoviet Fund trong nửa đầu 2016 tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Sưu tầm |
Dù vậy, có công ty đã phải chịu quả đắng do đầu tư vào một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường.
Những công ty dẫn đầu vẫn duy trì phong độ
Những cái tên quen thuộc được biết đến với phong độ tốt vài năm qua như Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) hay Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2015. SSIAM lãi gần 25 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái, còn MB Capital lãi 24 tỷ đồng, tăng 44%.
SSIAM đang quản lý quỹ ETF nội mang tên SSIAMHNX30 (đầu tư theo chỉ số HNX30-Index) và quỹ mở SSISCA với tên gọi Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI. 2 quỹ này đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng trưởng mạnh, đặc biệt là SSISCA với LNST nửa đầu năm đạt 17,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tại thời điểm 30/6/2016 cũng tăng mạnh lên hơn 13.000 đồng. SSIAM vừa thông báo kết thúc giai đoạn huy động vốn của Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II do SSIAM đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd. (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities - Nhật Bản). Quy mô vốn cam kết là 39,4 triệu USD đến từ các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước bao gồm vốn góp của Tập đoàn Daiwa và SSI.
Đối với MB Capital, 2 quỹ mở mà công ty này đang quản lý là MBBF (quỹ đầu tư trái phiếu) và MBVF (quỹ đầu tư giá trị) cũng ghi nhận sự tăng lên của NAV/CCQ và giống như năm trước, đều đạt trên 10.000 đồng. Tuy nhiên, LNST của MBBF giảm so với trước, chỉ còn 1,2 tỷ đồng.
Baoviet Fund - công ty quản lý quỹ có có tổng tài sản quản lý gần 35.000 tỷ đồng, được xếp vào hàng lớn nhất nhì tại Việt Nam nhưng có mức lãi thấp hơn 2 công ty nêu trên, đạt 13,5 tỷ đồng. Dù vậy, con số này đã tăng tới 85% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4 vừa qua, Baoviet Fund cho ra đời Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) với số vốn huy động là hơn 78 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Quỹ BVBF đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ là 3,02%.
Tuy nhiên, trong số 3 công ty quản lý quỹ nói trên thì SSIAM và Baoviet Fund là những công ty có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính, tức hoạt động thu phí quản lý danh mục, phí tư vấn đầu tư chứng khoán. Còn doanh thu và lợi nhuận của MB Capital đến từ hoạt động tài chính, đầu tư chứng khoán.
Trong số những công ty thuộc hàng lãi lớn, còn có Công ty Quản lý quỹ Vietinbank (Vietinbank Capital), nhưng trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của công ty này đã giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước, còn 21,7 tỷ đồng.
VCBF lội ngược dòng, FPT Capital lỗ nặng
Nói riêng về VCBF, cả 2 quỹ mà VCBF quản lý là Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược (VCBF TBF) và Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF BCF) đều có sự tăng trưởng gấp 3 lần về lợi nhuận. NAV/CCQ cũng tăng trưởng 30%.
Trong khi đó, một gương mặt kém khả quan là Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital), bị lỗ 9,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính của FPT Capital lên tới hơn 15 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
“Xém” lỗ là Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (Vinafund, VFM) với mức lãi 121 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính sụt giảm mạnh từ hơn 28 tỷ đồng xuống còn 6 tỷ do không còn khoản lãi trị giá hơn 18 tỷ đồng từ thanh lý cổ phiếu chưa niêm yết.