Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Rạch ròi quản trị, trả lương công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đồng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) đạt hiệu quả tối ưu, công tác quản lý vốn và quản trị cần được phân định chi tiết, người điều hành DN cần được chủ động đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm theo hiệu quả công việc. Hơn nữa, cần thay đổi cơ chế trả lương theo hướng “có thưởng - có phạt” để tạo động lực cho người lao động, giúp sử dụng vốn hiệu quả nhất.
Việc phải xin ý kiến đại diện chủ sở hữu nhà nước khi đầu tư vào từng dự án dẫn đến tình trạng chủ sở hữu nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Việc phải xin ý kiến đại diện chủ sở hữu nhà nước khi đầu tư vào từng dự án dẫn đến tình trạng chủ sở hữu nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13 - gọi tắt là Luật số 69) đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại DN. Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DN nhà nước đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và DN.

Trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN có sự thay đổi. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế. Đơn cử, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN; thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài DN; quy định về đầu tư ra nước ngoài của DN…

Do đó, Bộ Tài chính đang tham vấn ý kiến để sửa đổi Luật số 69 nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), điều đầu tiên cần làm rõ là khái niệm về vốn nhà nước tại DN.

Luật số 69 quy định: “Vốn nhà nước tại DN bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại DN, quỹ hỗ trợ sắp xếp DN; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại DN”.

Ông Cung cho rằng, Nhà nước giống như bất cứ nhà đầu tư khác đều có thể sử dụng mọi loại vốn để đầu tư và trở thành cổ đông với quyền lợi tương ứng với phần vốn góp.

Đây cũng là “gốc” để sửa đổi các nội dung khác về nguyên tắc đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước và các vấn đề khác.

Phản hồi ý kiến về vốn nêu trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đây chính là vấn đề cần làm rõ trước tiên khi sửa đổi Luật số 69 để minh bạch trong quản lý vốn nhà nước và quản trị của từng DN.

Cụ thể, cần phân tách rõ quyền sở hữu vốn với quyền điều hành hoạt động của DN. “Thực tế hiện nay, nhiều DN có vốn nhà nước phải xin ý kiến đại diện chủ sở hữu nhà nước khi quyết định đầu tư vào từng dự án. Điều đó làm giảm tính chủ động trong điều hành, dẫn đến tình trạng người điều hành DN sợ trách nhiệm hoặc chủ sở hữu nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, trong công tác quản trị DN, quyền sở hữu vốn và quyền điều hành cần được phân định rõ. Chủ sở hữu vốn chỉ giám sát khả năng sinh lợi của đồng vốn, thực hiện các biện pháp quản lý bằng các tiêu chí, hệ thống quản trị mà cơ quan chủ sở hữu phải yêu cầu DN thực hiện.

Nếu làm được như vậy, các vấn đề chi tiêu, đầu tư, trả lương tại DN sẽ được công khai, minh bạch và dòng vốn tại DN nói chung và vốn nhà nước nói riêng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, cách phân định và kiểm soát như vậy sẽ hạn chế tình trạng chủ sở hữu có thể cử bất kỳ ai xuống DN làm chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc mà không xét đến cá nhân đó có đủ năng lực về chuyên môn, năng lực quản trị DN hay không.

Điều này cũng gợi mở việc phải tuyển chọn người giỏi để quản lý DN thông qua cơ chế trả lương theo thị trường. Hiện nay, người quản lý tại DN nhà nước được trả lương theo khung, có mức trần và sàn. Như vậy, DN thua lỗ thì người đứng đầu DN vẫn nhận lương ở mức sàn trong khi đáng ra không được nhận lương. Ngược lại, người làm việc rất hiệu quả vẫn không được nhận mức lương xứng đáng hơn mức trần. “Cần có thưởng, có phạt qua cơ chế lương với người điều hành DN có vốn nhà nước, tương tự với cơ chế tại các DN cổ phần để nâng cao hiệu quả quản lý DN”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục