Quan ngại tác động giá dầu tới lạm phát và tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà tăng giá của giá xăng dầu được dự báo sẽ đẩy giá các mặt hàng khác, từ đó khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn dự tính. Điều này gây quan ngại có thể tác động bất lợi đến nỗ lực thúc đẩy hồi phục và tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm sau.
Thị trường xăng dầu thế giới dự báo còn nhiều biến động và giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Ảnh: Tiên Giang
Thị trường xăng dầu thế giới dự báo còn nhiều biến động và giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Ảnh: Tiên Giang

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu đã có 3 đợt tăng giá, với mức tăng khoảng 6%. Đây là mức tăng đáng kể của mặt hàng này so với biến động giá trong năm ngoái và trước đó. Giá dầu đã xác lập “đỉnh” mới trong vòng 7 năm qua. Trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới dự báo còn nhiều biến động và giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nền kinh tế nước ta, giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát.

Giá xăng dầu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Từ phân tích đó, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu, đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát năm 2022 và các năm tiếp theo.

Có ý kiến cho rằng, cần tính đến phương án giảm thuế để giảm nhiệt giá xăng dầu. Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho rằng, Chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đã bao trùm các vấn đề về xăng dầu, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. “Trước diễn biến giá xăng dầu như vậy, các cơ quan chức năng đang phối hợp chặt chẽ, tính toán giải pháp để ứng phó phù hợp, giảm thiểu tác động với CPI và tăng trưởng kinh tế”, ông Tuấn nói.

Theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng mạnh thời gian vừa qua chắc chắn có tác động đến CPI của tháng 2 và cả năm, bởi xăng dầu là mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, đà tăng cao của giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu với hàng hóa, tác động đến sức cầu của nền kinh tế và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo ông Long, đề xuất giảm thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp. Bởi lẽ, nguồn thu từ xăng dầu, trong đó có các khoản thu từ thuế là đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, “túi tiền quốc gia” đang phải gồng gánh, co kéo để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế với quy mô gói hỗ trợ tài khóa ước tính 291 nghìn tỷ đồng.

“Vì vậy, thay cho giải pháp này, có thể tăng cường thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp về điều hành giá, phối hợp tài khóa - tiền tệ, điều tiết cung cầu hàng hóa để kiềm chế đà tăng CPI. Đồng thời, nỗ lực đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ, giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và trở lại đà tăng trưởng như kỳ vọng”, ông Long nói.

Tin cùng chuyên mục